Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Đại học Thái Nguyên): Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo

Thứ sáu, 18/11/2016 23:11
(ĐCSVN) - Là trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh (QPAN) lớn của khu vực trung du miền núi phía Bắc, với nhiệm vụ giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên và đào tạo giáo viên QPAN, những năm qua ,Trung tâm Giáo dục QPAN Đại học Thái Nguyên đã có nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Trung tâm thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng GDQP cho SV,HS. Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm luôn bám sát chủ trương, đường lối quân sự, quốc phòng và mục tiêu Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) của Đảng; quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giáo dục quốc phòng (GDQP), kịp thời đề ra các chủ trương, biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả GDQP cho học sinh, sinh viên (SV, HS). Trung tâm đã chủ động hiệp đồng với các trường trong việc thống nhất nội dung, chương trình, thời gian, nắm vững đối tượng, điều kiện cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập,… để xây dựng kế hoạch giảng dạy một cách khoa học, chính xác, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót.

Một giờ học tại Trung tâm Giáo dục QPAN Đại học Thái Nguyên

Đại tá Đàm Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh  - Đại học Thái Nguyên cho biết: Trung tâm luôn coi trọng đổi mới tổ chức và phương pháp giảng dạy, kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy và rèn luyện, giữa học tập chính khoá với hoạt động ngoại khoá, xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho học tập và rèn luyện của sinh viên. Trung tâm luôn chấp hành nghiêm túc quy chế đào tạo, thi, kiểm tra và cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ GD-ĐT. Qua các khóa học, sinh viên được trang bị những nội dung cơ bản về đường lối quân sự của Đảng, nắm được những kỹ năng quân sự cần thiết, rèn luyện tác phong, nếp sống tập thể, có kỷ luật, góp phần vào mục tiêu đào tạo toàn diện của nhà trường. Điều quan trọng là, qua học tập đã giúp sinh viên nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tư duy về kết hợp kinh tế với quốc phòng và xác định trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, biết vận dụng những kiến thức GDQP đã học vào cuộc sống học tập, sinh hoạt hàng ngày, góp phần tạo nên nếp sống văn hóa lành mạnh, tinh thần đoàn kết, thân ái trong các nhà trường. Cùng với các hoạt động giảng dạy, Trung tâm còn làm tốt công tác quản lý, rèn luyện sinh viên, tổ chức nghiên cứu xây dựng một số văn bản mang tính pháp quy, như: quy chế quản lý rèn luyện sinh viên, quy chế giảng dạy của giáo viên, quy định và tiêu chuẩn đánh giá giờ giảng giỏi của giáo viên, quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm… Ngoài ra, Trung tâm luôn coi trọng việc tổ chức các hoạt động thi đua, sinh hoạt văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao, tham quan, nhằm nâng cao tính hấp dẫn, tạo ý thức sinh hoạt cộng đồng cho sinh viên.

Trung tâm đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên, nhất là đội ngũ giảng viên có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ kiến thức và năng lực giảng dạy tốt, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn giỏi, vừa đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho các đối tượng, vừa thực sự là tấm gương sáng về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” để SV, HS noi theo. Hằng năm, Trung tâm chú trọng việc sắp xếp, bố trí, cử cán bộ, giáo viên đi học các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Đến nay, 100% giảng viên của Trung tâm có trình độ học vấn bậc đại học (trong đó có 2 giảng viên sau đại học). Trung tâm khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên theo học các lớp ngoại ngữ và tin học để phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, Trung tâm chú trọng tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên và tham gia các lớp tập huấn do cấp trên tổ chức, nhằm nâng cao và cập nhật kiến thức, thống nhất về tổ chức phương pháp huấn luyện, biên soạn giáo trình, xây dựng đề cương chi tiết môn học. Các tổ bộ môn thuộc các khoa giảng viên luôn chủ động kiểm tra việc soạn giáo án, thống nhất các bộ đề thi, đáp án, biểu điểm, tổ chức dự giờ, bình xét đánh giá giờ giảng, làm đồ dùng dạy học…

Trung tâm luôn tạo điều kiện tốt nhất để đội ngũ cán bộ, giảng viên có thời gian nghiên cứu khoa học. Từ chỗ hầu như các giảng viên chỉ lên lớp đơn thuần theo chương trình sẵn có, đến nay Trung tâm thường xuyên có cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học theo hướng các đề tài nghiệp vụ, nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn giảng dạy đặt ra. Hoạt động này đã góp phần thiết thực nâng cao trình độ, nhất là trình độ sư phạm cho các giảng viên là sĩ quan biệt phái. Trung tâm đã đăng ký nghiên cứu 6 đề tài khoa học, hoàn thành biên soạn 4 giáo trình môn học và bộ đề cương chi tiết của chương trình lớp đào tạo giáo viên GDQP ngắn hạn. Các đề tài khoa học do cán bộ, giảng viên của Trung tâm đã được áp dụng vào công tác giảng dạy, nhiều sản phẩm nghiên cứu được trao tặng các giải cao của quân đội, như: đề tài cải tạo tiếng nổ giả, mõ điện tử, cải tiến bệ bắn di động… Đối với các đề tài nghiệp vụ như đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học phần đã được áp dụng thành công và được triển khai ngay vào thực tiễn.

Được biết, bình quân mỗi năm Trung tâm tiếp nhận từ  9.000-10.000 sinh viên, chỉ riêng trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 đã có 14.434 sinh viên về học tập. Với số lượng sinh viên đông như vậy, cùng với đảm bảo đầy đủ chỗ ăn, ở, quân trang... việc nâng cao chất lượng giáo dục QPAN luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong đó đơn vị xác định chất lượng đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định.

Theo Đại tá Phạm Đức Quỳnh, Trưởng phòng  Đào tạo và Quản lý sinh viên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ giáo viên trung tâm đã tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, đến nay có 1 người có học hàm giáo sư, tiến sĩ; 17 người có trình độ thạc sĩ và 45 người có trình độ đại học. Đối với các môn học, nhà trường đều tổ chức các giờ bình giảng, trong đó môn chính trị là 12 giờ/năm; môn quân sự là 18 giờ/năm. Thông qua những giờ bình giảng, toàn thể cán bộ Khoa giáo viên và Trung tâm dự giờ, chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu để rút kinh nghiệm chung cho giáo viên, trong đó đặc biệt chú ý đối với những giáo viên mới về giảng dạy.

Trong quá trình lên lớp, giáo viên đã áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như thảo luận nhóm, đóng vai theo tình huống...  tạo cho hứng thú cho người học. Mặt khác, những năm trước đây, Trung tâm tiếp nhận sinh viên năm thứ nhất, do các em chưa được chuẩn bị về tâm lý và còn bỡ ngỡ với môi trường học tập nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả cuối kỳ. Do vậy, từ năm học 2016-2017, Trung tâm chủ động tham mưu cho Đại học Thái Nguyên, hiệp đồng với các trường, tiếp nhận sinh viên học từ năm thứ hai, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Kết quả 6 tháng đầu năm 2016, số lượng sinh viên đạt yêu cầu chiếm 93% (so với cùng kỳ năm trước tăng 0,3%); trong đó có 52,5% sinh viên đạt khá, giỏi (tăng 8,1%); số sinh viên không đạt yêu cầu chiếm 7,1% (giảm 3,1%).

Trung tá Vũ Quang Kiên, giáo viên môn Quân sự chia sẻ: "Đa số sinh viên nhận thức nhanh, tiếp thu tốt nên vận dụng lý thuyết vào thực hành không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên một số em còn tâm lý căng thẳng, một số khác sức khỏe còn yếu nên trong quá trình rèn luyện chúng tôi cũng phải có phương pháp phù hợp, có lúc phải nghiêm khắc nhưng có lúc phải động viên khích lệ để các em hoàn thành nội dung học đạt kết quả tốt nhất".

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, mỗi cán bộ, giáo viên đều chủ động nghiên cứu khoa học, trong đó đã có 5 đề án tập trung nghiên cứu và đưa ra các phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo QPAN. Ngoài ra, mỗi năm 2 lần, Trung tâm tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về giáo viên và công tác phục vụ. Đối với những cán bộ, giáo viên được người học đóng góp ý kiến, Trung tâm sẽ trao đổi riêng với từng người để giáo viên tự điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp...

Sinh viên năm thứ nhất Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên Hoàng Thị Vân và Nông Khánh Hạ quê Trùng Khánh, Cao Bằng cho biết: Lần đầu tiên chúng em được giáo dục các môn học về quốc phòng, an ninh, được rèn luyện trong môi trường quân đội với 10 chế độ trong ngày và 3 chế độ trong tuần, giờ nào việc ấy chúng em thấy mình tự chủ và trưởng thành hơn nhiều… Sinh viên Nông Quốc Tuấn quê Tràng Định, Lạng Sơn thì bộc bạch: Được giáo dục rèn luyện trong môi trường quân đội với những kiến thức cơ bản về quân sự, quốc phòng chúng em mới thấy hết sự vất vả, gian nan của những người lính Bộ đội Cụ Hồ; chúng em sẽ phấn đấu đóng góp sức trẻ của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Những biện pháp đồng bộ, cùng ý thức trách nhiệm của đội ngũ giáo viên cộng với tinh thần học tập nghiêm túc của bao lớp thế hệ sinh viên đã tạo nên chuyển biến vững chắc trong công tác giáo dục đào tạo của Trung tâm giáo dục QPAN - Đại học Thái Nguyên. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng quân sự cho các thế hệ học sinh, sinh viên, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Bài và ảnh: Khương Doãn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực