Phát huy truyền thống Đoàn Không quân Thăng Long Anh hùng

Thứ năm, 23/02/2017 14:51
(ĐCSVN) - Cách đây 50 năm, để cứu vãn sự thất bại trên chiến trường miền Nam, đồng thời tiếp tục thực hiện cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc XHCN, đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã huy động một lực lượng lớn máy bay và các phương tiện kỹ thuật hiện đại của không quân và hải quân tiến hành đánh phá ồ ạt vào các mục tiêu quan trọng của miền Bắc nước ta.

Kẻ thù muốn dùng sức mạnh của bom đạn để thực hiện “ảo vọng” đưa miền Bắc Việt Nam “trở lại thời kỳ đồ đá”.  

Sư đoàn không quân 371 là lực lượng chiến đấu trong đội hình
 của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trong bối cảnh đó, ngày 24/3/1967, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký Quyết định số 014/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh Không quân thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Thực hiện Quyết định đó, ngày 1/5/1967, Đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã ký Quyết định số 492/TM-QL lấy phiên hiệu công khai của Bộ Tư lệnh Không quân là f371, trong đó bao gồm các Trung đoàn 921, 923, 919 và đoàn bay Z, Sư đoàn trực tiếp quản lý 7 sân bay, đội ngũ phi công tiêm kích MiG-17, MiG-21 có 64 đồng chí và hơn 1.600 thợ máy các chuyên ngành. Đây là những đơn vị hầu hết đã tham gia chiến đấu và lập công xuất sắc, đánh dấu sự ra đời của một Binh chủng kỹ thuật hiện đại, Binh chủng Không quân trong Quân chủng Phòng không - Không quân, là bước tiến quan trọng về đường lối quân sự của Đảng ta, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng và sự quan tâm đặc biệt của Đảng, của Bác Hồ kính yêu đối với sự phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng. Từ đây, ngày 24/3/1967 mãi được ghi nhớ, trở thành ngày truyền thống của Sư đoàn Không quân 371.

Trong tình hình vừa ổn định tổ chức, vừa tích cực chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, chưa đầy một tháng sau ngày thành lập, Sư đoàn đã trực tiếp chỉ huy các đơn vị xuất kích chiến đấu 12 trận, bắn rơi 14 máy bay hiện đại của địch. Có những ngày xuất kích chiến đấu 4 trận, có biên đội xuất kích 2 - 3 lần trong ngày, bắn rơi 2 - 3 máy bay Mỹ trong một trận đánh và trở về hạ cánh an toàn; có nhiều trận hiệp đồng chiến đấu trở thành điển hình trong nghệ thuật không chiến của Không quân nhân dân Việt Nam. Chiến công nối tiếp chiến công, chỉ tính riêng năm 1967, Sư đoàn đã xuất kích bắn rơi 97 máy bay gồm nhiều kiểu loại hiện đại của địch. Nhiều phi công đã trở thành những tấm gương sáng của Không quân nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1967 đến 1972 là thời kỳ ác liệt nhất trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ oanh liệt nhất trong lịch sử chiến đấu và chiến thắng của cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân. Trong cuộc đối đầu không cân sức với không quân Mỹ, một đội quân sừng sỏ với số lượng đông và trang bị kỹ thuật hiện đại, đã từng tham chiến ở nhiều nơi trên thế giới. Khi đó, lực lượng không quân của ta số lượng vũ khí trang bị vừa ít, vừa kém hiện đại so với địch, kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu và chiến đấu chưa nhiều. Nhưng với tinh thần “Dám đánh, biết đánh và biết thắng”, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, phi công, của Sư đoàn đã nỗ lực vượt bậc khắc phục mọi khó khăn, vượt lên trên mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, sáng tạo nhiều cách đánh thông minh, táo bạo, từ phi công đến cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu, dẫn đường, nhân viên kỹ thuật hậu cần… đều chung một ý chí quyết thắng. Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, cán bộ, chiến sỹ, phi công của Sư đoàn đã đánh địch cả trên không, trên biển, trên đất liền; đánh cả ban ngày và ban đêm. Lớp phi công nào cũng lập chiến công, loại máy bay nào cũng đánh thắng máy bay địch, trong tình huống ác liệt nào cũng bảo đảm xuất kích tiêu diệt địch. Vừa làm nhiệm vụ tiêm kích trên không, vừa làm nhiệm vụ tiêm kích bom; đánh sâu vào hậu cứ của địch, chi viện cho đơn vị bạn.

Diễn tập đổ bộ đường không.

Đặc biệt trong chiến tranh chống phá hoại của Đế quốc Mỹ lần thứ 2 ra miền Bắc năm 1972, Sư đoàn đã có nhiều trận đánh tiêu biểu, điển hình như trận đánh của phi công Lê Xuân Dị và phi công Nguyễn Văn Bẩy đã dùng máy bay MiG-17 đánh hỏng nặng hai tàu khu trục Mỹ ra đánh phá miền Bắc. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi được thành lập, ngày 08/5/1972, Trung đoàn 925 tổ chức xuất kích trận đầu, sau 8 phút chiến đấu 4 máy bay MiG-19 của biên đội Nguyễn Ngọc Tiếp, Nguyễn Đức Tiêm, Phạm Hùng Sơn và Nguyễn Hồng Sơn đã chiến đấu với 12 chiếc F4 của địch, bắn rơi tại chỗ 2 chiếc và trở về hạ cánh an toàn; với loại máy bay MiG-21 mới được trang bị, ngày 11/5/1972 khi địch ồ ạt vào đánh phá khu vực Hà Nội, biên đội Ngô Văn Phú và Ngô Duy Thư đã cất cánh đón đánh địch trên vùng trời Hải Dương bắn rơi tại chỗ hai máy bay của địch (1 F105, 1 F4).

Đồng chí Ngô Văn Phú là một phi công còn rất trẻ đã hạ gục chiếc F4 do tên Trung tá Uy-Ly-Am Kít-tin-gơ, chuyên viên nghiên cứu chiến thuật của không quân Mỹ có 7.300 giờ bay, là một trong 10 phi công có giờ bay cao nhất của không quân Mỹ… Nhiều trận đánh phối hợp, hiệp đồng tiêu biểu  giữa các trung đoàn với các lực lượng phòng không đã lập công xuất sắc, cả máy bay MiG-17, MiG-19, MiG-21 cùng tham gia chiến đấu; cả 4 trung đoàn không quân tiêm kích của Sư đoàn cùng vào trận, cùng chiến thắng, sức mạnh của Không quân nhân dân Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Từ tháng 10 năm 1972, đế quốc Mỹ tăng cường sử dụng máy bay B52 đánh phá miền Bắc. Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, lực lượng của Sư đoàn cùng với các đơn vị trong Quân chủng tiến hành chuẩn bị tốt các phương án, kế hoạch chiến đấu, lực lượng đánh đêm được triển khai trực chiến ở nhiều sân bay, lúc này việc đánh và bắn rơi máy bay B52 được tập trung coi trọng nhất; đặc biệt trong chiến dịch tập kích chiến lược 12 ngày đêm ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, cho tới ngày 23/12, máy bay MiG-21 của ta đã nhiều lần xuất kích vẫn chưa tiếp cận được B52 của địch. Chiều ngày 27/12, phi công Phạm Tuân được lệnh dùng MiG-21 cất cánh từ Nội Bài cơ động lên sân bay Yên Bái; lúc 22h22’, phi công Phạm Tuân cất cánh từ sân bay Yên Bái, được sự dẫn dắt của các đài chỉ huy đã phát hiện và bắn rơi 1 máy bay B52 của địch sau đó đưa máy bay về hạ cánh an toàn. Đêm 28/12, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy tiếp tục bắn rơi 1 máy bay B52 của địch, nhưng do cự ly quá gần sau khi công kích tiêu diệt mục tiêu, anh đã anh dũng hy sinh. Với chiến công bắn rơi máy bay chiến lược B52, bộ đội không quân đã cùng toàn quân, toàn dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược trong 12 ngày đêm của giặc Mỹ ra miền Bắc, góp phần cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, bảo vệ vững chắc thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện cho cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới.

Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, cùng với các cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, một bộ phận cán bộ, phi công, chiến sĩ của Sư đoàn đã được lệnh tiếp nhận máy bay thu được của địch để tham gia chiến đấu. Chỉ sau 6 ngày tổ chức huấn luyện chuyển loại khẩn trương, chiều ngày 28/4/1975, “Phi đội Quyết thắng” gồm 5 phi công: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Thành Trung bất ngờ cất cánh từ sân bay Phan Rang tập kích sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều sinh lực địch, góp phần quan trọng làm tan rã và sụp đổ chế độ ngụy quyền Sài Gòn; cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau năm 1975, Sư đoàn tiếp tục tham gia cùng với các lực lượng bước vào cuộc chiến đấu mới, hiệp đồng cùng với các đơn vị bạn truy quét tàn quân địch bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và chi viện cho chiến trường Căm-pu-chia góp phần giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng.

Tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, các đơn vị của Sư đoàn đã xuất kích hàng nghìn lần chiếc, chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi 320 máy bay Mỹ gồm 19 kiểu loại (trong đó có 2 máy bay B-52), phá hủy 24 chiếc khác, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái. Một sự kiện lớn, một niềm vinh dự, tự hào đó là ngày 23 tháng 7 năm 1980, đồng chí Phạm Tuân - phi công của Đoàn không quân Sao Đỏ thuộc Sư đoàn, người đã hạ gục “pháo đài bay” B52 trong chiến tranh chống Mỹ đã cùng phi công vũ trụ Liên-Xô Go-Rơ-Bát-Cô thực hiện thành công chuyến bay vũ trụ quốc tế Xô-Việt, trở thành nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và Châu Á.

Hòa bình lập lại, đất nước chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, cùng với sự phát triển của Quân đội, Sư đoàn được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vùng trời miền Bắc của Tổ quốc. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, máy bay, phương tiện kỹ thuật đã qua nhiều năm sử dụng ngày một xuống cấp, sự bổ sung đầu tư phương tiện, máy bay thế hệ mới chưa được nhiều. Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn đã có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, quản lý, khai thác có hiệu quả các trang bị kỹ thuật hiện có. Cùng với các đơn vị bạn trong Quân chủng và các lực lượng phòng không 3 thứ quân trong cả nước, cán bộ, chiến sĩ, QNCN, CNVQP của Sư đoàn ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu cao với tinh thần “Người sẵn sàng, máy bay và các phương tiện sẵn sàng, có lệnh là xuất kích chiến đấu kịp thời”. Tích cực học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh, ý chí chiến đấu, thường xuyên đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng huấn luyện bay, huấn luyện chuyên ngành. Hàng năm, đều phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đào tạo được nhiều phi công, bồi dưỡng được nhiều cán bộ các cấp cho Sư đoàn và Quân chủng. Trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn luôn được giữ vững và có bước phát triển mới vững chắc. Công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần ngày càng tốt hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội từng bước được cải thiện. Nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực, có bước vững chắc. 

Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, QNCN, CNVQP của Sư đoàn đã kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần tô đẹp và viết tiếp trang sử vàng truyền thống “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” của Không quân nhân dân Việt Nam. Với tất cả niềm tin và ý chí, không sợ hy sinh gian khổ, không tiếc mồ hôi, xương máu; bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn qua thử thách và rèn luyện đã trưởng thành và phát triển không ngừng. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp cao, giữ các cương vị trọng trách của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Quân chủng.

Với những chiến công và thành tích đạt được, ngày 31/12/1982, Sư đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 19 lượt tập thể và 63 cá nhân được phong và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 01 Huân chương Ăng Co, 1.159 Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công các loại, 248 huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Sự trưởng thành và chiến thắng của Sư đoàn đã khẳng định sự nỗ lực, phấn đấu vượt bậc của mỗi cán bộ, chiến sĩ các thế hệ trong suốt 50 năm qua, cho dù bất kể ở điều kiện hoàn cảnh nào dù là những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, là những phi công trực tiếp lái máy bay chiến đấu với kẻ thù hay là những cán bộ chính trị, tham mưu, dẫn đường, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, với những ngành, cương vị khác nhau đều tỏ rõ sự nỗ lực, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách trong chiến đấu, công tác cũng như những khó khăn trong cuộc sống thường ngày của bản thân, vươn lên làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, phấn đấu xứng danh “Bộ đội cụ Hồ”, người chiến sĩ Phòng không - Không quân ưu tú. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực hiện nay; sự nghiệp CNH, HĐH đất nước với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của toàn Đảng, toàn dân ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay đã và đang đặt ra những yêu cầu mới cho lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, Quân chủng Phòng không - Không quân và Sư đoàn nói riêng.

Là lực lượng chiến đấu trong đội hình của Quân chủng Phòng không - Không quân, hiện nay Sư đoàn có 4 Trung đoàn trực thuộc được trang bị nhiều chủng loại máy bay khác nhau, được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vững chắc vùng trời, biển đảo, đất liền và biên giới khu vực miền Bắc, Thủ đô Hà Nội và sẵn sàng cơ động chi viện cho các đơn vị bạn miền Trung, miền Nam; ngoài ra Sư đoàn còn thực hiện nhiệm vụ chuyên cơ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Cán bộ, chiến sỹ, QNCN, CNVQP Sư đoàn luôn xác định rõ đây là vinh dự lớn lao, là trách nhiệm vẻ vang của mình. Mỗi cán bộ, phi công, chiến sĩ của Đoàn Không quân Thăng Long Anh hùng, nguyện không ngừng học tập và rèn luyện, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, tin tưởng tuyệt đối vào mục tiêu lý tưởng của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh, tình huống nào cũng vững vàng kiên định, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc./.

 Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy,
Chính ủy Sư đoàn Không quân 371

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực