"Những người con của bản làng A Đớt"

Thứ hai, 20/05/2019 18:25
(ĐCSVN) - Đến xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, hỏi thăm về cán bộ Bình (Thiếu tá Trương Công Bình, Đội trưởng), cán bộ Thịnh (Thiếu tá Phan Cảnh Thịnh, Đội phó) hay bất kỳ cán bộ, nhân viên nào ở Đội sản xuất 3, Đoàn KT - QP 92 thì bà con người dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Ca Tu đều dành cho các anh một tình cảm trìu mến, thân thương như người thân trong gia đình.
Cán bộ Đội sản xuất 3 thăm hỏi, tặng quà bệnh binh Hồ Văn Thông. Ảnh: MH

Tôi hỏi về các anh, họ lắc đầu nguầy nguậy: “Ở đây không ai gọi là cán bộ đâu. Họ là bộ đội Bình, bộ đội Thịnh, bộ đội Đội 3. Bộ đội Cụ Hồ nói ít, làm nhiều, đến với dân bản bằng cả tấm lòng, đuổi cái đói, cái nghèo bằng cây lúa trĩu bông, con bò béo tròn, con lợn biết đẻ “sòn sòn” ".

Những lời “rút ruột” đó chúng tôi được nghe xuất phát từ lần cùng chị Hồ Thị Ngoan, Trưởng thôn A Đớt đến thăm mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản của gia đình mệ Kăn Nhíp ở thôn A Đớt. Trong câu chuyện vươn lên thoát nghèo của gia đình, mệ Kăn Nhíp liên tục nhắc đến cán bộ Đội 3 như ân nhân của gia đình, những người giúp gia đình mệ thay đổi nhận thức, tư duy làm kinh tế và trực tiếp cùng mệ xây dựng mô hình chăn nuôi mà mới cách đây không lâu thôi vốn rất xa lạ với bà con nơi đây.

Mệ Kăn Nhíp cho biết: “Trước đây, bữa ăn của gia đình chủ yếu là ngô nương, lúa rẫy, thu nhập rất bấp bênh từ việc vào rừng kiếm củi bán. Làm lụng quanh năm mà ngày Tết cũng chẳng mua được cho con bộ quần áo mới, nên năm 2016, khi bộ đội Đội 3 đến trò chuyện, tâm sự, muốn giúp gia đình phát triển mô hình nuôi lợn nái sinh sản, tôi gạt đi, bởi người còn chưa có ăn, lấy gì cho lợn ăn. Tuy nhiên, bộ đội Đội 3 vẫn kiên trì nói cái hay, cái được rồi trực tiếp giúp mệ khai khẩn đất, làm chuồng, cấp 3 con lợn giống; hàng ngày, tới hướng dẫn mệ cách chăm sóc. Lứa đầu tiên, mệ định bán nhưng bộ đội nói phải tạo đàn, các lứa sau mệ bán cho thu nhập bằng cả năm làm lụng vất vả. Nhờ đó, mệ sắm được ti vi để xem, mua cái máy cày làm lúa nước, sắm cái xe máy đi bán lợn. Vui lắm cán bộ à!”.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn gặp các anh, Trưởng thôn Ngoan cười tươi: “Các anh về đội là không gặp đâu! Ngày nào các anh chả bám bà con để hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục. Các anh cứ đến nhà mệ Sương, họ đang giúp mệ tách hạt lúa lép đấy”. Còn mệ Kăn Nhíp không quên nói với theo: “Cán bộ nhớ viết hộ lời cảm ơn bộ đội Đội 3 đã giúp mệ đuổi cái nghèo trong bài báo với nhé!”. Lời nhắn gửi của người phụ nữ Tà Ôi như nâng bước chúng tôi tìm tới “những người con của bản làng A Đớt”.

Theo hướng chị Ngoan chỉ, cách mấy “con dao quăng”, chúng tôi đã có mặt tại nhà mệ Nguyễn Thị Sương. Gặp chúng tôi, mệ Sương phân trần: “Trước đây lúa tuốt xong, mệ đem ra suối rửa, đãi hạt lép rồi mới đem phơi. Được bộ đội Đội 3 tuyên truyền, làm như vậy dòng chảy mạnh làm trôi cả hạt chắc, lúa ngâm nước lại dễ hỏng. Bộ đội hướng dẫn cách thổi bằng quạt hoặc dưới gió lớn, lúa dễ bảo quản còn hạt lép đưa vào chăn nuôi nên ai cũng tự giác bỏ, còn đàn gà của mệ thì lớn nhanh như thổi”.

Tại đây chúng tôi còn được nghe câu chuyện nghĩa tình của bộ đội Đội 3 dành cho gia đình mệ. Chồng mệ là bệnh binh Hồ Văn Thông, năm nay đã 86 tuổi. Thời trẻ nghe theo Đảng, Bác Hồ, ông nhập ngũ đi đánh Mỹ. Ông tham gia nhiều chiến trường lắm, mệ không nhớ hết được. Trở về năm 1976, do vết thương tái phát, sức khỏe ngày một yếu nên ông nằm liệt một chỗ mấy năm qua. Các con trưởng thành đã lập gia đình nhưng cũng khó khăn nên mình mệ vừa lo cho ông, vừa xoay trở mưu sinh. Thấu hiểu khó khăn đó, triển khai mô hình “Đảng viên kết nghĩa với hộ khó khăn”, Chi bộ Đội 3 luân phiên cắt cử đảng viên giúp đỡ mệ cải tạo vườn, trồng rau, trồng lúa, chăm sóc vật nuôi, đưa ông đi chữa bệnh mỗi khi trái gió trở trời…

Đem những việc làm sâu nặng nghĩa tình đó của cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3 trao đổi với các anh trong Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 92, chúng tôi được các anh cho biết: Đây là một tập thể điển hình trong phong trào thi đua quyết thắng của Đoàn, nhất là trong công tác bám nắm địa bàn, làm dân vận. Với đức tính cần cù, chịu khó học hỏi, cán bộ, nhân viên Đội 3 luôn chủ động học tập, nghiên cứu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tích lũy kiến thức phong phú về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi.

Thiếu tá Trương Công Bình chia sẻ: “Để giúp dân, việc đầu tiên chúng tôi làm là phải xây dựng thành công mô hình tăng gia, chăn nuôi ở đơn vị để bà con đến tham quan, thấy được cái lợi, cái hay rồi làm theo. Chúng tôi xác định, phải giúp dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đến bao giờ họ thoát nghèo bền vững mới thôi. Chính vì thế, cán bộ, nhân viên tăng cường “4 cùng” với bà con, không nề hà việc gì, từ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất đến làm ruộng, cải tạo vườn, xây dựng chuồng trại”.

Có một điều luôn toát lên ở các anh, dù là những người tiếp xúc nhiều như cán bộ thôn, xã hay lần đầu như chúng tôi - đó là từ lời nói đến hành động đều hướng về nhân dân. Đó là lý do mà bà con nơi đây luôn coi các anh như những người thân ruột thịt và đây cũng chính là niềm hạnh phúc lớn nhất với cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực