Mệnh lệnh không lời!

Thứ năm, 20/06/2019 16:04
(ĐCSVN) – Nhà báo Nguyễn Văn Minh (Báo Quân đội nhân dân) chia sẻ: Chúng tôi là nhà báo quân đội, là những người “hai lần chiến sĩ” thì càng phải xung kích trên trận tuyến đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; coi đó là sứ mệnh thiêng liêng, cao quý, là mệnh lệnh không lời!

Luôn tích cực chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua những tác phẩm báo chí và cả hoạt động hằng ngày trên mạng xã hội, nhà báo Nguyễn Văn Minh – Báo Quân đội nhân dân được nhiều bạn đọc biết đến như một ngòi bút chính luận sắc sảo. 

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên (PV) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng nhà báo Nguyễn Văn Minh.

Nhà báo quân đội - Thượng tá Nguyễn Văn Minh

PV: Lĩnh vực đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phản động, phòng chống "diễn biến hòa bình" là mảng đề tài rất khó, vì sao anh có niềm đam mê và rất tích cực viết về mảng đề tài này?

Nhà báo Nguyễn Văn Minh: Tôi vốn là một cán bộ chính trị được đào tạo trong nhà trường sĩ quan quân đội nên sau khi ra trường, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với báo chí để làm tài liệu giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội. Do đó, tôi đã thường xuyên viết bài cộng tác với nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu. Từ một cộng tác viên, tôi được tòa soạn Báo Quân đội nhân dân phát hiện, bồi dưỡng trở thành phóng viên chuyên nghiệp.Trước đây, chính tôi cũng rất e ngại, ít tham gia viết về mảng đấu tranh tư tưởng lý luận vì nghĩ rằng nó rất khó, chỉ dành cho các chuyên gia, các giáo sư, tiến sĩ. Nhưng rồi, qua sự động viên của các đồng nghiệp đàn anh cũng như từ thực tiễn phức tạp, nóng bỏng trên mặt trận tư tưởng lý luận thôi thúc chúng tôi cầm bút với trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước đất nước và nhân dân.

Đúng như Bác Hồ đã dạy: Ngòi bút là vũ khí chiến đấu, bài báo là tờ hịch của cách mạng. Bác cũng dạy mỗi nhà báo là một chiến sĩ. Chúng tôi là nhà báo quân đội, là những người “hai lần chiến sĩ” thì càng phải xung kích trên trận tuyến này, không thể để các thế lực thù địch ngang nhiên xuyên tạc, chống phá. Đây cũng là truyền thống đi đầu của Báo Quân đội nhân dân chúng tôi, ngay từ những năm chiến tranh lửa đạn, trên chiến trường Điện Biên Phủ, báo đã từng xuất bản 33 số báo tại mặt trận. Trong đó, có một số báo có bài xã luận ấn tượng mà tiêu đề chỉ một chữ “có”. Chữ “có” này chính là sự xác định tâm thế, trách nhiệm chính trị của người cầm bút quân đội, luôn xung kích, đi đầu trước mọi nhiệm vụ của cách mạng, coi đó là sứ mệnh thiêng liêng, cao quý, là mệnh lệnh không lời với những nhà báo “hai lần chiến sĩ”!

PV: Khi tham gia viết bài trên lĩnh vực này, anh có những kỷ niệm nào đáng nhớ?

Nhà báo Nguyễn Văn Minh: Kỷ niệm thì rất nhiều. Có những kỷ niệm rất đáng nhớ như nhờ tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận mà chúng tôi đã thực hiện được nhiều loạt bài tuyên truyền quan trọng, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Chẳng hạn như lần Trung ương Đảng họp Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), chúng tôi nắm bắt được thông tin Trung ương sẽ bàn bạc, ra nghị quyết quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà điểm nhấn là phòng chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Thế là trước thềm hội nghị, thực hiện chỉ đạo của Ban biên tập, nhóm phóng viên 6 người chúng tôi ngay lập tức tổ chức một hội nghị bàn bạc nhanh chóng để triển khai một loạt bài chính luận 5 kỳ với tiêu đề “Phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta”. Trong suốt những ngày diễn ra hội nghị của Trung ương, Báo Quân đội nhân dân liên tục đăng tải loạt bài và được Đài Truyền hình Việt Nam điểm báo mỗi ngày, được dư luận quan tâm đánh giá rất cao. Thật thú vị là dù chúng tôi không được tham gia hội nghị nhưng về sau, nhiều quan điểm, nhận định, giải pháp chúng tôi đề xuất đều có tinh thần rất đúng với những nội dung Trung ương kết luận. Loạt bài này sau đó đã đoạt hai giải thưởng kép là Giải A Giải Báo chí Búa liềm vàng lần thứ nhất và Giải A Giải Báo chí quốc gia năm 2017.

Nhà báo Nguyễn Văn Minh phỏng vấn bộ đội làm đường tuần tra biên giới
ở Kon Tum năm 2011

Từ câu chuyện đó cho chúng tôi thấy kinh nghiệm về việc lựa chọn đề tài, bám sát những vấn đề bức thiết của thời cuộc đang đặt ra. Nghị quyết của Đảng đâu phải là những gì khô khan, xa xôi mà nó đều gắn liền với những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Và nhà báo phải là người thư ký của thời đại, nắm bắt để phản ánh kịp thời lòng dân, ý Đảng trong những thời điểm quan trọng, cần thiết.

PV: Để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhất là đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình" hiện nay, theo anh, các cơ quan báo chí cần phải làm gì?

Nhà báo Nguyễn Văn Minh: Qua nhiều kỳ Đại hội, Đảng ta đều xác định "diễn biến hòa bình" là một trong những nguy cơ đối với cách mạng nước ta. Âm mưu thủ đoạn "diễn biến hòa bình" ngày càng tinh vi, hiểm độc.

Tôi cho rằng, hiện nay vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống "diễn biến hòa bình", phòng chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là hết sức quan trọng. Thế nhưng, vẫn còn rất ít cơ quan báo chí thường xuyên đấu tranh trên lĩnh vực này. Số cơ quan báo chí có chuyên trang, chuyên mục, bài viết thường kỳ về mảng đề tài này cũng không nhiều. Nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội như: tham ô, lãng phí được nhiều cơ quan báo chí lên tiếng rất nhanh, rất nhiều nhưng những biểu hiện vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, những đối tượng phản động, cơ hội chính trị chống phá đất nước rất nguy hiểm thì lại ít cơ quan báo chí có những bài viết đấu tranh, vạch trần. Theo tôi, đây là một hạn chế cần phải sớm được khắc phục.

Chúng ta đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó bảo vệ Tổ quốc phải theo tinh thần mới của Đảng là bảo vệ từ sớm, từ xa, bảo vệ trên mọi lĩnh vực, trong đó cả trên lĩnh vực không gian mạng. Báo chí phải là một trong những binh chủng xung kích bảo vệ Tổ quốc bằng sự phê phán với những biểu hiện sai trái, lệch lạc, phá hoại môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời, cũng phải xử lý nghiêm những cơ quan báo chí, những nhà báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa...

12 năm cầm bút, Nhà báo Nguyễn Văn Minh đã 4 lần đoạt giải Báo chí Quốc gia (3 giải B, 01 giải A), 2 lần đoạt giải Búa liềm vàng (1 Giải B, một giải A). Tham dự Giải Báo chí quốc gia năm nay, Nhà báo Nguyễn Văn Minh cùng nhóm tác giả Phạm Văn Huấn, Nguyễn Tấn Tuân, Hồ Quang Phương đã đoạt giải B thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận (không có A) với loạt bài “Kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”- vấn đề cấp bách hiện nay”. Năm 2017, anh cùng các đồng nghiệp đã đoạt giải A báo chí quốc gia với loạt bài “Phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta”. Năm 2016, anh và các đồng nghiệp đoạt giải B báo chí quốc gia với loạt bài “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”: Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt’'. Năm 2012, anh đoạt giải B (không có giải A) Giải Báo chí quốc gia thể loại Phóng sự, Phóng sự điều tra, Ký báo chí, Ghi chép với loạt bài “Con đường Nam quốc sơn hà”.
Bảo Minh (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực