Làm tốt hơn nữa công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trên địa bàn Thủ đô

Thứ tư, 12/09/2018 10:46
(ĐCSVN) - Những năm qua, đặc biệt là thời điểm 2015 (Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi có hiệu lực), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô và cấp ủy, chính quyền các địa phương, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trên địa bàn có nhiều đổi mới và đạt được kết quả thiết thực.
Thanh niên Thủ đô tham gia nhập ngũ năm 2017. Ảnh: nld.com.vn.

Có thể nói, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Thực hiện tốt công tác này không chỉ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội thường trực, mà còn là cơ sở để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và nguồn cán bộ kế cận chất lượng cao cho địa phương, cơ sở.

Những năm qua, đặc biệt là thời điểm 2015 (Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi có hiệu lực) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô và cấp ủy, chính quyền các địa phương, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trên địa bàn có nhiều đổi mới và đạt được kết quả thiết thực. Điều động khám sức khỏe 10.290/3.455 chỉ tiêu công dân nhập ngũ, đạt 297,8%.; đã đi khám. 10.290/10.290, đạt 100%; đạt sức khỏe loại 1,2,3 là 7.365/10.290, đạt 71,6%; đủ điều kiện nhập ngũ 6.931/10.290, đạt 67,36%, trong đó có 2.339/3.455,chiếm 67,7% công dân đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, THCN, công dân là công chức, viên chức 22/3.455, chiếm 0,64% so với chỉ tiêu.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô, cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nghĩa vụ quân sự các quận, huyện trên địa bàn đã có sự thống nhất cao về quan điểm, nhận thức và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành thực hiện các bước tuyển quân. Thông qua thực hiện “tròn khâu” trong công tác tuyển quân, các địa phương thuộc địa bàn Thủ đô đều tiến hành đúng quy trình đăng ký, quản lý nguồn, sơ tuyển, xét tuyển, bảo đảm dân chủ, công bằng, đúng Luật Nghĩa vụ quân sự. Cơ quan quân sự các cấp đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ thị, kế hoạch; thực hiện công tác đăng ký, thống kê và tổng hợp báo cáo đúng thời gian quy định. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã phát huy tốt vai trò của Hội đồng nghĩa vụ quân sự, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố trong việc nắm chắc số lượng, chất lượng nam, nữ công dân trong độ tuổi nhập ngũ; đồng thời, xác định đúng các đối tượng tạm vắng, tạm trú và các đối tượng trong diện miễn gọi hoặc tạm hoãn gọi nhập ngũ theo Điều 29, Điều 30 của Luật Nghĩa vụ quân sự. Các đơn vị nhận quân đã chủ động hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tuyển chọn hồ sơ, thống nhất danh sách, chốt quân số và cùng với địa phương thực hiện tốt công tác giao, nhận quân. Các đơn vị đã tổ chức đầy đủ khung huấn luyện theo quy định; chuẩn bị chỗ ăn, ở, vệ sinh chu đáo, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp để chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập với đơn vị.

Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh xác định: Làm tốt công tác tuyển quân, không chỉ tăng cường lực lượng để xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, mà còn giúp địa phương có nguồn cán bộ kế cận chất lượng cao. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chú trọng tuyển chọn những thanh niên có trình độ học vấn, sức khỏe, có độ tin cậy chính trị cao để tuyển chọn vào quân đội. Những quân nhân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng hay có tay nghề kỹ thuật, sau khi huấn luyện xong sẽ được tuyển lựa, bố trí công việc phù hợp với khả năng hoặc cử đi đào tạo để trở thành sĩ quan, cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực quân sự nếu như họ có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội. Khi xuất ngũ, họ sẽ được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo công ăn, việc làm ổn định, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo khi đủ điều kiện.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ tuyển quân, các địa phương trên địa bàn Thủ đô đã làm tốt công tác bảo đảm chế độ, chính sách hậu phương quân đội, như: Chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp đột xuất cho gia đình quân nhân khó khăn, miễn học phí cho con hạ sĩ quan, chiến sĩ đang tại ngũ; tổ chức tốt việc đón tiếp, đăng ký, quản lý và tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho các quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ về địa phương. Việc làm đó đã tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội; là động lực trực tiếp cổ vũ, động viên công dân yên tâm lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, hằng năm, các địa phương đều hoàn thành 100% chỉ tiêu, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy trình; chất lượng tuyển quân ngày càng cao.

Tuy nhiên, công tác tuyển quân trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế: Một số địa phương còn lúng túng trong thực hiện tuyển quân theo phương thức “tròn khâu”; nhận thức của một số ban, ngành, đoàn thể địa phương và một bộ phận nhân dân đối với công tác tuyển quân còn giản đơn, chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Việc tổ chức thực hiện quy trình tuyển quân từng bước, từng khâu có nơi còn thiếu chặt chẽ. Công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân ở độ tuổi nhập ngũ còn thiếu đồng bộ. Việc quán triệt các chỉ thị, hướng dẫn về công tác tuyển quân chưa thật sâu sắc; nhận thức về Luật Nghĩa vụ quân sự của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; công tác phối hợp giữa địa phương với các đơn vị nhận quân chưa chặt chẽ, nhất là việc nắm bắt về đặc điểm, nhiệm vụ, nhu cầu và yêu cầu tuyển quân của đơn vị. Đối với đơn vị nhận quân, có nơi nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, yêu cầu, nội dung  công tác tuyển quân theo quy trình mới; còn có tư tưởng ỷ lại, "khoán trắng” cho địa phương. Điều đó không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng công tác tuyển quân mà còn ảnh hưởng đến việc quản lý, huấn luyện, bố trí và sử dụng lực lượng của đơn vị.

Để khắc phục những hạn chế trên, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp trên địa bàn Thủ đô cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nghĩa vụ quân sự các địa phương và nhân dân, nhất là đối với các công dân trong độ tuổi thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyển quân. Đây là nội dung hết sức quan trọng. Bởi lẽ, công tác tuyển quân ở các địa phương chỉ đạt được chất lượng khi đã tạo được sự đồng thuận của tất cả các tổ chức, các lực lượng, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhận thức đầy đủ, tự giác chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự. Cơ quan quân sự các cấp phải tích cực, chủ động làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyển quân; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò của Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp. Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nắm chắc các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; về quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự; chú trọng phát huy dân chủ ở cơ sở trong bình cử theo phương châm "dân chủ, công khai, công bằng" trong công tác tuyển quân.

Hai là, chủ động phối hợp, hiệp đồng giữa địa phương với đơn vị nhận quân trong quá trình thực hiện công tác tuyển quân. 

Trước mỗi giai đoạn tuyển quân, các địa phương cần chủ động phối hợp, trao đổi với các đơn vị nhận quân để nắm chắc đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của đơn vị và yêu cầu về tiêu chuẩn cũng như số lượng mà đơn vị cần tuyển chọn; phân chỉ tiêu tuyển quân gắn với xây dựng nguồn động viên ở từng địa bàn, nhất là đối với các ngành chuyên môn kỹ thuật cao và gắn với tạo nguồn cán bộ cơ sở sau này. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị nhận quân nghiên cứu, xét duyệt hồ sơ và cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trước khi chốt danh sách và phát lệnh gọi nhập ngũ. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các đơn vị nhận quân tổ chức lễ giao quân chặt chẽ, nhanh gọn, trang trọng, tiết kiệm. Tiến hành tốt công tác bù, đổi những thanh niên chưa đủ tiêu chuẩn sau khi các đơn vị phúc tra. Mặt khác, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp chống, trốn hoặc chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ quân sự, tạo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, cơ quan quân sự địa phương cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp trong việc đăng ký, quản lý, nắm, vận động, thuyết phục số thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ, nhất là số thanh niên có trình độ học vấn cao, chất lượng chính trị tốt

Theo đó, các địa phương cần thường xuyên làm tốt công tác rà soát, đăng ký, phân loại thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch đăng ký, phúc tra; tổ chức tập huấn, phân rõ trách nhiệm cán bộ phụ trách từng địa bàn để nắm chắc chất lượng nguồn ngay từ thôn, xóm, tổ dân phố, trong các cơ quan, nhà trường, công ty, xí nghiệp. Trong quá trình thực hiện, tổ chức phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành: Quân sự, Công an, Y tế, Giáo dục - đào tạo; phát huy cao vai trò của Hội đồng nghĩa vụ quân sự, các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố trong việc sơ tuyển theo quy định về tiêu chuẩn: chính trị, đạo đức, trình độ học vấn, sức khỏe và lập danh sách công dân thuộc diện miễn, tạm hoãn. Chấp hành nghiêm Thông tư số 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 38/2007/NĐ-CP, ngày 15-3-2007 của Chính phủ về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ. Chú trọng thực hiện tốt Thông tư số 50/2016/TTLT-BQP-BCA về việc quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 15 tháng 4 năm 2016. Qua đó, nâng tỷ lệ thanh niên đã tốt nghiệp trung học phổ thông và thực hiện tốt việc vận động những sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, dạy nghề, cao đẳng, đại học và sau đại học vào phục vụ quân đội.

Với việc tập trung thực hiện tốt phương châm: “Giao quân đủ, chất lượng cao, giao người nào được người đó, không có loại trả”, Bộ Tư lệnh Thủ đô, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn đã và đang góp phần giải đáp “bài toán” chất lượng nguồn nhân lực cho xây dựng quân đội, xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh./.

TS. Nguyễn Trường Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực