Dân nuôi quân mùa huấn luyện

Thứ sáu, 29/06/2018 10:45
(ĐCSVN) - Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp trở lại Hương Sơn, huyện miền núi thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi có con sông Ngàn Phố chảy qua; được chứng kiến không khí luyện tập sôi nổi của các chiến sĩ “sao vuông” và tình cảm quân dân gắn kết qua những bữa cơm “Dân nuôi” khiến ai cũng rộn ràng niềm vui …
Chiến sĩ dân quân tranh thủ giờ nghỉ giải lao phụ giúp chị em nấu bữa ăn “Dân nuôi”. Ảnh: TMH

Đón chúng tôi, Thượng tá Phạm Song Oanh, Chính trị viên Ban CHQS huyện bộc bạch: “Hương Sơn là địa bàn miền núi, đời sống kinh tế nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân luôn quan tâm đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, nhất là mỗi mùa huấn luyện. Nói về sự gắn kết quân dân nơi đây không thể không kể đến mô hình “Dân nuôi”…

Từ gợi ý của Thượng tá Oanh, chúng tôi tìm đến thao trường - nơi các chiến sĩ dân quân tự vệ Cụm 3 đang tham gia huấn luyện dưới cái nắng, cái nóng hầm hập, oi ả. Đang rót nước mời anh em dân quân, nghe tôi trò chuyện với các chiến sĩ về mô hình “Dân nuôi”, chị Trần Thị Vinh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Minh Giang, xã Sơn Mai hồ hởi: “Chú phải hỏi tôi đây mới đúng địa chỉ này! Hôm nay, đến phiên thôn Minh Giang chúng tôi “nuôi” quân đấy”. Chưa kịp hỏi, tôi được chị mời lên xe, rồi chở thẳng về nhà chị, nơi chị em hội phụ nữ thôn đang tất bật chuẩn bị bữa cơm trưa cho các chiến sĩ.

Còn sớm nhưng có rất đông hội viên hội phụ nữ thôn, Đoàn thanh niên xã, bà con nhân dân đã có mặt tại bếp nhà chị Vinh, mỗi người một việc: nhặt rau, thái thịt, mổ cá… khiến không khí rôm rả một góc thôn.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Vinh cho biết, chứng kiến các chiến sĩ vất vả huấn luyện giữa trời nắng nóng nên khi xã phát động triển khai mô hình “Dân nuôi”, bà con nhân dân, nhất là chị em phụ nữ ai cũng hăng hái tham gia. Tùy thuộc gia cảnh, ít hoặc nhiều, hộ nào cũng tham gia đóng góp kinh phí làm bữa cơm “Dân nuôi”. Để có những bữa ăn “cơm ngon, canh ngọt” phục vụ dân quân, chị phân công cụ thể đến từng người, chủ động lên thực đơn từ hôm trước, sáng ra dậy sớm đi chợ, chọn mua các loại thực phẩm tươi sống rồi chế biến thành 65 suất cơm đầy đủ các món: Thịt kho tộ, tôm rang, cá sốt, đậu phụ nhồi thịt… vừa đủ dinh dưỡng, hợp khẩu vị, lại nóng sốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình “Dân nuôi” ở huyện Hương Sơn được “thai nghén” từ năm 2013, xuất phát từ ý tưởng của bà con nhân dân trên địa bàn xã Sơn Kim 1, thấy dân quân huấn luyện vất vả đã cùng nhau góp tiền mua nước, mua trái cây động viên anh em huấn luyện đỡ mệt nhọc. Sau đó, ngoài chế độ quy định, các đoàn thể như: Hội phụ nữ, Đoàn xã... trích kinh phí, phối hợp vận động nhân dân đóng góp thêm tiền để tổ chức các bữa ăn trưa cho dân quân. Thời điểm ban đầu, mỗi mùa huấn luyện chỉ một bữa ăn, hai bữa ăn được tổ chức nhưng khi thấy được ý nghĩa của hoạt động, nhiều tổ chức đoàn thể cùng chung tay tham gia. Số tiền nhân dân đóng góp nhiều hơn nên hầu như ngày nào dân quân cũng được dùng những bữa cơm “Dân nuôi”.

Anh Nguyễn Minh Khôi, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Sơn Mai cho biết: “Đơn cử như xã Sơn Mai chỉ có 5 thôn, dân số ít nhưng khi có chủ trương, Hội Phụ nữ xã, Đoàn thanh niên, bà con nhân dân ai cũng hồ hởi vừa góp tiền, vừa tham gia nấu nướng, tạo nên không khí vui vẻ. Mỗi đợt huấn luyện từ 7 đến 12 ngày, các thôn luân phiên nhau tổ chức từ 5 đến 6 bữa ăn “Dân nuôi”, nhờ đó, anh em có thêm sức khỏe để huấn luyện đạt kết quả cao”.

Với hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên, bà con nhân dân, những bữa ăn “Dân nuôi” không chỉ bảo đảm sức khỏe cho dân quân mà còn là cơ hội để nâng cao kỹ năng nội trợ cho nhau, gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Chị Vinh hóm hỉnh nói vui: “Thấy anh em dân quân ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn, có sức để luyện tập là phấn khởi lắm rồi. Bếp “Dân nuôi” chúng tôi còn là nơi đào tạo ra nhiều “nữ công gia chánh” đấy. Không chỉ thành đôi, thành lứa trên thao trường mà nhiều “nam thanh, nữ tú” còn được bếp “Dân nuôi” này “se duyên” đấy...”.

Sự động viên, khích lệ kịp thời đến từ những bữa cơm “Dân nuôi” không chỉ tăng thêm tính cố kết cộng đồng nơi miền sơn cước, đảm bảo sức khỏe dân quân trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà còn trực tiếp góp phần nâng cao kết quả huấn luyện của lực lượng “sao vuông” nơi đây. Tính đến nay, 4/5 cụm dân quân tự vệ của huyện Hương Sơn đã kết thúc huấn luyện, tổ chức hội thao quân sự. Kết quả, 100% đạt yêu cầu, trong đó, có 80,8% đạt khá, giỏi./.

Trần Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực