“Dân vận khéo” của lực lượng vũ trang Quân khu 4: Sức lan tỏa từ sự gương mẫu

Thứ hai, 03/06/2019 11:20
(ĐCSVN) - Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 luôn thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo”. Gần dân, hiểu dân không chỉ bằng những việc làm cụ thể mà chính sự gương mẫu trong lời nói, việc làm, sẵn sàng quên mình hy sinh vì cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc của dân đã nhân lên niềm tin rất lớn trong nhân dân đối với LLVT Quân khu.

Đây là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước.

Cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3, Đoàn KT-QP 337 giúp bà con thôn Tri,
xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị dựng nhà tái định cư.

Trở lại huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) lần này, chúng tôi hết sức ấn tượng bởi màu xanh ngút ngàn, típ tắp của rừng keo, tràm, cao su hai bên tuyến đường 15B... Gặp bà Hồ Thị Nải, tôi hỏi: “Ở đây nhiều cây, nhiều gỗ sao bà lại phải đi xa lấy củi?”. Bà Nải trả lời: “Cây nhiều, gỗ nhiều nhưng phải giữ lấy rừng chú à! Trước đây, bà con cứ lên rừng đốt nương làm rẫy, lấy than nên rừng bị cháy nhiều lắm. Từ khi chú Ngãi (Thiếu tá Nguyễn Tuấn Ngãi, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Dự bị động viên, Ban CHQS huyện Nam Đông) dũng cảm hy sinh để cứu rừng của dân thì ai cũng nhìn vào gương chú ấy mà ra sức bảo vệ, tích cực trồng cho rừng thêm xanh đó chú”.

Là người cùng bộ đội tham gia dập đám cháy rừng ở đèo La Hy, bà Nải không thể quên những gì diễn ra hôm đó. Bà kể: Lúc đó đã gần trưa ngày 22/3/2013, sau khi bùng phát đám cháy rừng ở đèo La Hy, chỉ một lúc sau, các chú “bộ đội huyện” đã có mặt. Không chút chần chừ, các chú ấy lao vào đám cháy để dập lửa. Khi đám cháy đang dần được khống chế thì một cơn gió mạnh đột ngột chuyển hướng, bốc theo lớp khói bụi và tàn lửa khổng lồ tấp lên khu vực chú Ngãi cùng đồng đội đang dập lửa. Từ xa, miềng (mình) thấy chú Ngãi chỉ kịp dùng tay đẩy các đồng đội về phía sau còn chú ấy không thoát ra kịp và bị ngạt khói…. Bà Nải nói trong nấc nghẹn: “Ngày đó, chú Ngãi vì cứu rừng của dân mà hy sinh, ai cũng thương. Đến giờ, mỗi khi lên rừng, bà con đều nhắc đến chú ấy. Rồi dần dần, bà con miềng cũng bỏ hẳn tập tục đốt rừng làm rẫy bao đời nay để chuyển đổi cây trồng, có ý thức bảo vệ, chăm sóc rừng ngày càng tươi tốt…”.

Còn với những người dân bên bờ sông Gianh ở huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), trước đây, mỗi khi có mưa lũ xảy ra trên địa bàn, dù nước sông dâng cao nhưng vì chủ quan, người dân bất chấp nguy hiểm bám trụ để giữ tài sản. Nhưng từ sau cơn bão số 2 năm 2007, tấm gương hy sinh vì dân của Thượng úy QNCN Phạm Hữu Huyên đã làm thay đổi ý thức người dân. Ngày 7/8/2007, lũ sông Gianh lên nhanh nhấn chìm nhiều xã ở huyện Tuyên Hóa. Hơn 6 giờ trong đêm vật lộn với nước lũ, các đội cứu hộ của Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã cứu được 49 người. Riêng đồng chí Phạm Hữu Huyên trực tiếp cứu 12 người đưa lên ca-nô cấp cứu... Đang tìm cách cứu bà con xã Châu Hóa lúc rạng sáng ngày 8/8 thì chiếc ca nô vướng vào cáp điện rồi lật úp, trong gian nguy, đồng chí Huyên vẫn bình tĩnh đẩy đồng đội thoát khỏi ca nô, còn anh không kịp thoát ra ngoài đã hy sinh giữa dòng nước lũ.

Hay như trường hợp thoát chết trong gang tấc của cha con ông Vũ Đình Sức ở thôn Định Cát, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa khiến người dân nơi đây bỏ hẳn tư tưởng chủ quan với lũ. Ông Sức nhớ lại: “Đợt lũ lịch sử tháng 10/2017, nước lũ lên rất nhanh, mặc dù đã được Ban CHQS huyện vận động di dời nhưng cha con tôi vẫn cố ở lại để vớt vát chút tài sản. Không may, chiếc xuồng vướng phải dây điện bị lật, hai bố con tôi chới với tuyệt vọng trong dòng nước chảy xiết. May mắn là anh Hùng (Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, khi đó là Phó tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Thạch Thành) và đội cứu hộ có mặt kịp thời cứu cha con tôi”. Nhờ những tấm gương như anh Huyên, anh Hùng cùng hình ảnh bộ đội cứu dân, tài sản, mà ai cũng tự giác di dời khi lũ về, không phải tuyên truyền, vận động, thậm chí cưỡng chế như trước đây. 

Với địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu thường xuyên bám sát cơ sở, giúp nhân dân những gì họ đang thiếu, nói những gì mà đồng bào chưa hiểu, làm những gì mà đồng bào chưa thấy. Từ lâu người dân thôn Tri, xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị luôn xem cán bộ, nhân viên Đội sản xuất 3 (Đoàn KT-QP 337) như những người con của bản làng bởi với họ, từ khi bộ đội về đóng quân, cuộc sống người dân đã sang một trang mới. Nhờ bộ đội giúp, họ không còn đói cái bụng, họ biết không có con “ma rừng”. Bộ đội Đội 3 còn đề nghị với Đoàn di dời 34 hộ dân từ trong rừng sâu ra lập làng tái định cư, trực tiếp dựng nhà, làm đường, xây trường mầm non, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, làm vườn rau xanh... để bà con không bị tách biệt như trước đây.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 giúp nhân dân huyện Nam Đàn, Nghệ An dập lửa cứu rừng.

Với người dân xóm 1, xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu, Nghệ An, trong câu chuyện với chúng tôi, ai cũng nói rằng có được đường sá nông thôn mới rộng rãi, sạch đẹp như hôm nay chính nhờ sự gương mẫu của không ít cán bộ, đảng viên lực lượng vũ trang huyện nhà. Trong lá đơn xin hiến đất, hiến công trình để mở đường xây dựng nông thôn mới, Thiếu tá Trần Văn Phương - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Dự bị động viên, Ban CHQS huyện Diễn Châu gửi UBND xã Diễn Liên viết: “Tôi xin tự nguyện tháo dỡ tường rào, hiến đủ số đất để mở đường theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tôi kính mong Ban quản lý xóm, Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện để gia đình tôi được tháo dỡ tường rào, hiến đất đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới...”.

Bằng cả tấm lòng của mình, Thiếu tá Trần Văn Phương là người đi đầu trong phong trào hiến đất, hiến công trình làm đường. Ông Võ Văn Luật, Xóm trưởng xóm 1 cho biết: “Khi có chủ trương vận động nhân dân hiến đất, hiến công trình mở đường, chúng tôi xác định đây là việc khó, cần phải có nhiều thời gian và sự kiên trì vận động nhân dân. Nhưng thật bất ngờ khi anh Phương tự nguyện tháo dỡ 100m2 tường rào mới xây, hiến hơn 80m2 đất, nhờ đó, bà con ai cũng hăng hái làm theo gia đình anh Phương...”.

Chung sức xây dựng nông thôn mới, không chỉ gương mẫu trong hiến đất mà lực lượng vũ trang Quân khu còn có nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi để vận động nhân dân làm theo vươn lên thoát nghèo. Điển hình như anh Lê Văn Thành, Thôn đội trưởng thôn 7, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Năm 2001, anh là người đầu tiên biến bãi đầm lầy hoang vu rộng gần 3 héc ta thành một trang trại cá - lúa điển hình của huyện. Ban đầu người ta bảo anh liều, nhưng giờ “người liều” ấy đang thu nhập hàng trăm triệu một năm nhờ mô hình VAC tổng hợp. Với uy tín của mình, anh Thành vận động, nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ anh em dân quân của thôn rồi bà con nhân dân nhân rộng mô hình. Đến nay, toàn xã có 106 trang trại tổng hợp VAC, 46 mô hình cá - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao thì có đến 15 trang trại của dân quân cho thu nhập 100-150 triệu/trang trại/năm.

Gần dân, hiểu dân, vận động nhân dân bằng sự tự giác, gương mẫu trong từng lời nói, việc làm nên cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 luôn được nhân dân tin yêu, giúp đỡ. Chúng tôi trích dẫn ra đây lời bà Nguyễn Thị Khiết, ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã nhường chỗ rộng rãi nhất của nhà mình cho bộ đội ở khi về tham gia diễn tập thay cho lời kết: Trong chiến tranh, “Bộ đội Cụ Hồ” đã hy sinh tuổi xuân, xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nay thời bình các chú ấy lại luôn gương mẫu, không ngại gian khổ, khó khăn, sẵn sàng quên mình vì dân, chúng tôi tự thấy phải có trách nhiệm chung tay, góp sức cùng các chú ấy xây dựng và bảo vệ quê hương…./.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực