Tăng cường các giải pháp quản lý và phát triển nguồn dược liệu

Thứ tư, 14/12/2016 17:01
(ĐCSVN) - Cây dược liệu đóng vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất thuốc cho ngành y tế. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), công tác sản xuất và nhập khẩu dược liệu ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)
Theo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, trong số hơn 12.000 loài thực vật ở Việt Nam thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loại dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế. Các cây thuốc được phân bổ rộng khắp trên cả nước, tập trung nhiều nhất vẫn là nơi có địa hình núi cao, nơi tập trung nhiều quần thể rừng. Các loại dược liệu chủ yếu như là: đương quy, xuyên khung, artiso, ngưu tất, bạch chỉ, mã đề, húng quế, dương cam cúc,…

Việc thu mua dược liệu trong nước chủ yếu tập trung thông qua các thương lái, một số ít theo đơn đặt hàng của các nhà máy sản xuất dược liệu. Đối với dược liệu nhập nội thông qua cửa khẩu thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai,…và một số hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu của các bệnh viện trên cả nước.  Về tình hình dược liệu nhập khẩu, hàng năm, ngành dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại; trong đó có khoảng 80-85% dược liệu sử dụng có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc).

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, hiện nay, công tác quản lý, khai thác dược liệu còn lỏng lẻo, các dược liệu quý hiếm đang bị khai thác bừa bãi, chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Dược liệu vốn rất khó khăn trong kiểm soát chất lượng, chủ yếu dựa vào cảm quan, kinh nghiệm nhưng việc thu mua chủ yếu thông qua lái buôn làm trung gian, dẫn đến rất khó khăn cho kiểm soát chất lượng vì không biết rõ được nguồn gốc chính xác.

Cùng với đó, dược liệu thông qua cửa khẩu còn rất nhiều tồn tại: dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng gói trong thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các hộ cá thể kinh doanh dược liệu trên địa bàn xã một số nơi, phần lớn các dược liệu trong các cơ sở đều không có hóa đơn mua hàng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh dược liệu và một số cơ sở sản xuất thuốc lại mua dược liệu từ các hộ kinh doanh dược liệu trên.

Nguyên nhân của những tồn tại trên có thể kể đến do nguồn dược liệu trong nước chưa được quan tâm đầu tư phát triển; dược liệu nhập khẩu chưa được kiểm soát chặt chẽ; hệ thống trung tâm kiểm nghiệm chất lượng dược liệu chưa được đầu tư thích đáng. Đồng thời các cơ sở khám chữa bệnh không kiểm soát được chất lượng dược liệu khi đưa vào sử dụng.

Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, phát triển nguồn dược liệu Việt Nam, theo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, cần xây dựng cơ chế chính sách kinh tế hỗ trợ cho dược liệu sản xuất trong nước bao gồm: dược liệu trồng trong nước, dược liệu khai thác hợp pháp,…Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra các dược liệu được nhập vào Việt Nam, trong đó, quy định được dược liệu nhập khẩu về Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của dược liệu, phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của từng đợt nhập dược liệu.

Kiểm tra, rà soát các biên giới, ngăn chặn việc vận chuyển các dược liệu không rõ nguồn gốc vào Việt Nam. Tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược liệu lớn tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội. Cùng với đó, tổ chức đào tạo theo nhiều loại hình: chính quy, đào tạo liên tục, đào tạo liên thông, đào tạo theo cử tuyển đối với các vùng đặc biệt khó khăn nhằm đáp ứng đủ số lượng và chất lượng cán bộ cho y dược cổ truyền. Tăng cường xây dựng, ban hành tiêu chuẩn dược liệu sau chế biến, bổ sung các chuyên luận dược liệu trong Dược điển Việt Nam; đào tạo cho các doanh nghiệp và hộ nông dân về quy trình kỹ thuật trồng trọt và khai thác dược liệu theo GACP – WHO, đánh giá các dược liệu theo tiêu chuẩn thống nhất. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học trong việc tạo giống dược liệu chất lượng cao đối với một số dược liệu chủ yếu nhằm đạt được năng suất cao, chất lượng ổn định, có tính cạnh tranh trên thị trường./.

 

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực