Thúc đẩy thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới trong Luật Ngân sách Nhà nước

Thứ ba, 17/09/2019 15:45
(ĐCSVN)- Ngân sách chi cho mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới không phải tạo dòng ngân sách riêng cho phụ nữ, hoặc chỉ tăng chi tiêu cho các chương trình phụ nữ, mà quan trọng việc bố trí ngân sách cần bảo đảm thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo “Chia sẻ thông tin về ngân sách có trách nhiệm giới, hướng đến thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới của Luật Ngân sách Nhà nước” do Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp tổ chức với Tổ chức phụ nữ của Liên hợp quốc tại Việt Nam ngày 17/9 tại Hà Nội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt. (Ảnh: VA )

Tham dự có Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Về các vấn đề xã hội; đại diện Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu HĐND một số tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt nêu rõ, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006 đã đặt ra các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, trong đó có lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng, thực thi chính sách và pháp luật.

Là một nguồn lực quan trọng tác động đến sự phát triển của mỗi quốc gia, ngân sách nhà nước cũng như toàn bộ hoạt động ngân sách nhà nước ở các cấp, các ngành cần phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và phải được lồng ghép giới.

“Nếu quy trình ngân sách và bản thân ngân sách không được xem xét từ góc độ giới thì các hoạt động vì bình đẳng giới chỉ mang tính lý thuyết, không được thực hiện vì thiếu nguồn lực cần thiết. Có thể nói, ngân sách nhà nước là một cách thể hiện cam kết bình đẳng giới của Nhà nước”- bà Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Nguyệt khẳng định, quan điểm lồng ghép bình đẳng giới vào quá trình xây dựng Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 là tiền đề quan trọng để đạt tới mục tiêu bình đẳng trong tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực của đất nước, trong Luật đã có quy định nguyên tắc bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới (Khoản 5 Điều 8) và căn cứ lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm về bình đẳng giới (Khoản 1 Điều 41).

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi thông tin về khung luật pháp của Việt Nam trong việc thúc đẩy, thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới. Đồng thời, tiến hành đánh giá việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong quy trình ngân sách; thực hiện quy định về bảo đảm trách nhiệm giới trong ngân sách; kinh nghiệm của thế giới…

Các đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, phong trào bình đẳng giới, đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình phát triển, thu được kết quả tốt. Nữ giới Việt Nam có tổ chức chính trị riêng, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ giới tham gia lao động chiếm 48,4% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên. Tuy nhiên, chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cùng một vị trí công việc vẫn tồn tại. Thu nhập bình quân của lao động nữ luôn thấp hơn nam giới. Tỷ lệ nữ giới làm công tác quản lý, lãnh đạo tuy đã được cải thiện nhưng còn thấp so với vị trí quản lý lãnh đạo nói chung, cũng như so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng. Trong gia đình vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chính.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy ngân sách có trách nhiệm giới là một công cụ và giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, do đó đã được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới trong vòng 30 năm qua. Tại châu Á  Thái Bình Dương, nhiều quốc gia đã có cam kết mạnh mẽ thông qua việc luật hóa, tăng cường bộ máy nhà nước và các tổ chức xã hội để thúc đẩy thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới như: Hàn Quốc, Bhutan, Ấn Độ, In-đô-nê-xia…

Đánh giá về triển khai quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, một số ý kiến nhấn mạnh, ngân sách chi cho mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới không phải tạo dòng ngân sách riêng cho phụ nữ, hoặc chỉ tăng chi tiêu cho các chương trình phụ nữ, mà quan trọng việc bố trí ngân sách cần bảo đảm thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực