Tăng cường giám sát của công dân trong quản trị đất đai

Thứ sáu, 14/10/2016 23:06
(ĐCSVN) – Ngày 14/10, tại Hà Nội, Liên minh đất đai (LANDA), Liên minh đất rừng (FORLAND) và tổ chức quốc tế Oxfam đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Công dân giám sát quản trị đất đai tại Việt Nam". Đây là một dự án được tài trợ bởi Chương trình Quản trị đất đai vùng Mekong (MRLG).

Theo đó, dự án sẽ khởi đầu bằng việc thực hiện thí điểm tại 3 tỉnh Hòa Bình, Hà Tĩnh và Cần Thơ. Từ kết quả thí điểm sẽ tổng hợp xây dựng khung hướng dẫn công dân giám sát đất đai và kiến nghị sử dụng trên toàn quốc. Đồng thời, dự án cũng sẽ cung cấp thông tin và các khuyến nghị cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan trong quá trình xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá quản lý và sử dụng đất đai. Cụ thể, Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc sẽ là các đơn vị cùng phối hợp thực hiện dự án này.

Hội thảo "Công dân giám sát quản trị đất đai tại Việt Nam". (Ảnh: HNV)

Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi đã có những bước tiến quan trọng trong việc tăng cường vai trò của công dân trong giám sát quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam (Điều 198 và 199) cũng như việc xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá quản lý và sử dụng đất đai (Điều 200) nhằm đảm bảo quá trình quản trị đất đai ở Việt Nam ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cơ chế này vận hành có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các thông tin đầu vào và năng lực vận hành của hệ thống quản lý nhà nước.

Theo Điều 53, Hiến pháp Việt Nam năm 2013, đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Luật Đất đai 2013, Điều 198 quy định vai trò của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc trong giám sát, quản lý đất đai. Điều 199 quy định việc giám sát của công dân trong quản lý, sử dụng đất thông qua 2 cơ chế là “tự mình thông qua các tổ chức thực hiện quyền giám sát  và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai". Điều 200 quy định việc xây dựng một hệ thống mà chính phủ sử dụng để theo dõi và đánh giá việc quản lý và sử dụng đất ở các địa phương và toàn quốc. Chính phủ Việt Nam cũng đã, đang xây dựng và sửa đổi các văn bản dưới luật nhằm đảm bảo hiệu quả của việc công dân tham gia và phản hồi giám sát các quá trình quản trị đất.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc triển khai giám sát của công dân trong quản trị đất đai chính là nhằm góp phần đảm bảo quản lý, sử dụng đất hiệu quả và giảm thiểu những tranh chấp, xung đột về đất đai.

Việc tăng cường, nâng cao chất lượng giám sát của công dân trong quản trị đất đai sẽ được triển khai qua việc xây dựng một bộ hướng dẫn triển khai thử nghiệm trong thực tế tại Hòa Bình, Hà Tĩnh và Cần Thơ, tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai của Việt Nam và phù hợp với một số nguyên tắc quốc tế về giám sát quản lý sử dụng đất đai. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan gồm các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương và công dân vào quá trình hoạch định chính sách và quản lý, sử dụng đất đai./.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực