Sửa Luật để đáp ứng cam kết thực hiện CPTPP

Thứ hai, 20/05/2019 20:50
(ĐCSVN) – Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận tại tổ chiều 20/5 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (tỉnh Gia Lai) phát biểu tại phiên họp tổ chiều ngày 20/5. (Ảnh: Bích Liên)

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, như: Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, trách nhiệm mua và thực hiện bảo hiểm, trách nhiệm nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; xác định các hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có liên quan đến sở hữu trí tuệ phải áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới…

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (tỉnh Gia Lai) tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Theo đại biểu, các quy định được sửa đổi, bổ sung của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ cũng chính là những nội dung đã được xác định cần sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan đến bảo hiểm và sở hữu trí tuệ. Nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, số lượng các điều, khoản của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo dự án Luật không nhiều và có chung mục đích để thực hiện CPTPP. Do đó, đại biểu Phương đề nghị áp dụng hình thức “một luật sửa nhiều luật” để sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của hai luật nêu trên.

Cơ bản tán thành với phạm vi sửa đổi của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cho rằng, phạm vi sửa đổi tập trung vào giải quyết những nội dung còn vướng mắc, chồng chéo khi triển khai thực hiện CPTPP là rất cần thiết. Bên cạnh đó, vấn đề về trách nhiệm mua và thực hiện bảo hiểm; trách nhiệm về nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ về bảo hiểm cũng cần được làm rõ hơn trong bối cảnh đây còn là một dịch vụ, lĩnh vực khá mới ở Việt Nam.

Đồng tình quan điểm trên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của 2 Luật trên, đặc biệt Luật Sở hữu trí tuệ cho tương thích với các quy định trong CPTPP là cần thiết để bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực của hệ thống pháp luật Việt Nam và thể hiện tinh thần chủ động, nghiêm túc thực hiện các điều ước quốc tế của Việt Nam.

Cho ý kiến về quy định bên thua kiện phải thanh toán cho bên thắng kiện chi phí hợp lý để thuê luật sư, bồi thường thiệt hại do hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các đại biểu nhất trí với việc bổ sung quy định này để nội luật hóa cam kết tại một số điều của CPTPP.

Tuy nhiên, hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nếu không được xác định hoặc giải thích trong dự thảo luật sẽ dẫn đến sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật và không minh bạch trong hệ thống pháp luật.

Do đó, các đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung quy định nguyên tắc xác định hành vi lạm dụng thủ tục hoặc giải thích thuật ngữ “lạm dụng thủ tục” làm cơ sở cho Tòa án nhân dân xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chi phí hợp lý thuê luật sư trong trường hợp này./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực