Sự hài lòng của người dân là “thước đo” hiệu quả công việc

Thứ sáu, 15/12/2017 10:48
(ĐCSVN) – Với tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”, kết thúc năm 2017 với chủ đề “Năm kỷ cương hành chính”, Thành phố Hà Nội đã thu được kết quả tích cực. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội triển khai hiệu quả chủ đề năm 2018 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kiểm tra bộ phận một cửa
UBND quận Bắc Từ Liêm. (Ảnh:TH)

Một việc – một đầu mối xuyên suốt

Theo Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội Trần Huy Sáng, thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch và chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Các nhiệm vụ do Trung ương, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo và kế hoạch của UBND thành phố đề ra trong năm cơ bản hoàn thành đúng hạn, chất lượng cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội luôn đổi mới, sâu sát, cụ thể theo hướng 5 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả", “một việc - một đầu mối xuyên suốt” gắn với việc thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”.

Đáng chú ý, Thành phố đã tập trung thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các bộ phận, đầu mối trực thuộc từ Thành phố đến cấp huyện, cấp xã, đảm bảo nguyên tắc “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Điển hình thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Thành phố đã hoàn thành sắp xếp 70 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 Ban quản lý dự án (giảm 41,4%); tinh giản 393 biên chế theo Nghị định 108 của Chính phủ; hoàn thành việc tổ chức lại Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố, Quỹ Phát triển nhà đất Thành phố, Quỹ Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường… “Đây là lần kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy lớn nhất từ trước đến nay. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên triển khai quyết liệt và thành công, được Trung ương và dư luận đánh giá cao” – Giám đốc Trần Huy Sáng nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Thành phố Hà Nội, “Năm kỷ cương hành chính 2017” đã thay đổi căn bản tư duy, thái độ, đổi mới lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận, thụ lý, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã và 11/24 sở, ngành đã triển khai Đề án thực hiện việc khảo sát, đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thuộc Thành phố. Một số cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm kỷ cương hành chính đã bị xử lý nghiêm khắc, tác động mạnh đến nhận thức, hành động và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức viên chức…

Đáng chú ý, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và cải cách TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, toàn Thành phố đã triển khai 391 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và phấn đấu hết năm 2017 có thêm 151 dịch vụ công, nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên 556/1.859 TTHC, đạt tỷ lệ 29,9%. Số hồ sơ giao dịch trực tuyến đạt 94%, trong đó có một số lĩnh vực đạt cao như: Thuế (trên 97%), Hải quan (100%), các TTHC lĩnh vực tư pháp tại xã, phường, thị trấn (trên 90%)… Sự nỗ lực, cố gắng của thành phố đã thể hiện rõ qua Chỉ số năng lực cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 3 cả nước, tăng 6 bậc...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cũng thừa nhận những hạn chế còn tồn tại. Đó là một số nhiệm vụ Chính phủ giao chưa đạt tiến độ theo yêu cầu. Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ về cải cách hành chính năm 2017 chưa đạt và hoàn thành như tỷ lệ thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến mức độ 3 - 4 còn thấp, một số thủ tục hành chính còn thiếu tính liên thông và cơ chế phối hợp thực hiện.

Mặt khác, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố tuy được cải thiện đáng kể, nhưng còn 5 chỉ số thành phần đạt thấp cần tiếp tục có giải pháp để cải thiện thứ hạng trong thời gian tới; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm, tận tình hướng dẫn trong quá trình tiếp nhận, giải quyết công việc của tổ chức, công dân…

Tăng cường ứng dụng thông tin để đánh giá sự hài lòng người dân

Chính vì vậy, kế hoạch triển khai "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018" của Hà Nội sẽ nhằm xây dựng chính quyền thành phố theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ Thành phố đến cơ sở. Trong đó, Thành phố xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến cơ sở có thái độ giao tiếp, ứng xử chuẩn mực; có năng lực và tính chuyên nghiệp cao trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao trên tinh thần "lấy sự hài lòng của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc".

Trong năm 2018, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng Đề án và triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật.

Đối với các tổ chức sự nghiệp công, Hà Nội sẽ rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học hợp lý, thu gọn lại các điểm trường phù hợp với điều kiện thực tế. Thí điểm đổi mới, xã hội hóa các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao. Đặc biệt, sẽ sắp xếp, sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Cùng đó, thành phố sẽ nghiên cứu hợp nhất các Trung tâm bảo trợ thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành Trung tâm bảo trợ đa năng. Thực hiện mô hình Trung tâm Y tế đa chức năng cấp huyện; rà soát, sắp xếp hợp lý các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế…

Điểm nhấn đặc biệt, thành phố sẽ thực hiện rà soát tổng thể tổ chức, bộ máy hoạt động của các thôn, tổ dân phố; số lượng biên chế cán bộ chuyên trách, không chuyên trách cấp xã, số lượng cán bộ không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố theo hướng thu gọn đầu mối; tăng cường kiêm nhiệm các chức danh và các cơ chế, chính sách về phụ cấp, hỗ trợ phù hợp để tăng tính trách nhiệm.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Lan Tú, để thực hiện nhiệm vụ năm 2018, Thành phố cần hướng tới xây dựng công chức Hà Nội văn minh, chuyên nghiệp, thân thiện trong phục vụ người dân. Cần đẩy mạnh sử dụng văn bản điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng báo cáo định kỳ theo hướng sinh động, ngắn gọn và không dài dòng; tăng tỷ lệ dịch vụ sử dụng công trực tuyến; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; tăng cường tuyên truyền để nâng cao tỷ lệ người dân, doanh nghiệp giao dịch hồ sơ qua mạng….

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong "Năm kỷ cương hành chính 2017" trong thời gian tới, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, trong năm 2018, các cơ quan, đơn vị cần khẩn trương hoàn thành việc xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa các thao tác thực hiện nhằm tạo thuận lợi nhất cho người sử dụng; rà soát, hoàn thiện thủ tục hành chính; chuẩn hóa quy trình xử lý, giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ để nhân dân hiểu, biết sử dụng và tham gia thực hiện; xây dựng và nhân rộng các mô hình khu dân cư điện tử, công dân điện tử trên địa bàn từng đơn vị.

Nhấn mạnh việc thực hiện chủ đề của năm 2018 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị”, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, cơ quan trong hệ thống chính trị thành phố chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả chủ đề của năm. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt việc đổi mới sắp xếp hệ thống, hoàn thiện quy trình, quy chế về ISO, thực hiện tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính. Đặc biệt phải gắn với sự tham gia của người dân và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm “thước đo” hiệu quả công việc.../.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực