Sẽ quy định chặt chẽ hơn về sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp số 2

Thứ sáu, 24/03/2017 01:37
(ĐCSVN) – Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều cơ quan, tổ chức “lạm dụng” quyền được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 của cá nhân để yêu cầu người dân nộp bổ sung, gây ảnh hưởng đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được pháp luật bảo đảm an toàn.

Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) năm 2009, Phiếu LLTP gồm có: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Phiếu LLTP số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Trong đó, Phiếu LLTP số 2 là Phiếu ghi đầy đủ các án tích, cả án tích chưa được xóa lẫn án tích đã được xóa; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ảnh minh họa. Nguồn: plo.vn.

Một trong các nguyên tắc quản lý LLTP là ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hòa nhập cộng đồng và bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân. Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ quan đại diện nước ngoài (các đại sứ quán), tổ chức quốc tế ở Việt Nam và cả một số doanh nghiệp trong nước đã yêu cầu công dân Việt Nam phải bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp số 2 vào hồ sơ làm thủ tục xuất cảnh hoặc định cư ở nước ngoài hay xin cấp giấy phép hoạt động, cung cấp dịch vụ…

Việc “lạm dụng” quyền được cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân để yêu cầu người dân nộp bổ sung vô hình chung đã ảnh hưởng tới quyền được pháp luật bảo đảm bí mật cá nhân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích; thậm chí khiến một số công dân mất cơ hội khi đi du học, xin việc làm, xuất cảnh…

Mặt khác, đối với Phiếu LLTP số 2 thì người yêu cầu cấp Phiếu không được ủy quyền cho người khác. Điều này đã gây khó khăn trong việc đi lại và gây tốn kém tiền bạc của người dân, nhất là đối với những người đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài.

Thực tế giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP cho thấy, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 ngày càng gia tăng. Đơn cử, tại tỉnh Sóc Trăng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016 có đến 60% hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2.

Tại cuộc họp Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LLTP năm 2009, ngày 21/3 mới đây, Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia Hoàng Quốc Hùng cho biết, việc sửa đổi Luật LLTP sẽ theo hướng quy định chặt chẽ hơn về việc tiếp cận, sử dụng Phiếu LLTP số 2 để bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi quy định Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, không cấp cho cá nhân, để tránh tình trạng lạm dụng Phiếu LLTP số 2 cấp theo yêu cầu của cá nhân trong thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, cá nhân vẫn có quyền tiếp cận thông tin LLTP được quản lý trong cơ sở dữ liệu LLTP theo quy định của Luật LLTP./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực