Quý I: Bộ Tư pháp phát hiện 20 văn bản trái luật

Thứ sáu, 06/04/2018 19:51
(ĐCSVN) – Đây là thông tin được Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết tại cuộc họp báo kết quả công tác tư pháp Quý I, chiều ngày 6/4.

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết: Trong Quý I, Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình 02/02 văn bản: Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Kế hoạch thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) kỳ 2014 - 2018 thống nhất trong cả nước; thẩm định 34 dự án, dự thảo VBQPPL, 07 đề nghị xây dựng VBQPPL (trong đó có một số dự án luật, dự thảo nghị quyết quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Nghị quyết của Quốc hội về thành lập 03 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc...).

Đáng chú ý, Bộ đã kiểm tra 640 văn bản của các bộ, ngành, địa phương; bước đầu phát hiện 20 văn bản trái pháp luật về nội dung.

 

Chánh Văn phòng, người phát ngôn  Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển thông tin tại cuộc họp báo. (Ảnh: Thu Hà).


Cũng trong Quý I, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc ban hành văn bản quy định chi tiết. Kết quả: đối với 61 văn bản quy định chi tiết 14 luật đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 43/61 văn bản. Riêng Bộ Tư pháp đến nay không nợ văn bản quy định chi tiết.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã rà soát, đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ 43/98 điều kiện kinh doanh thuộc 07 ngành, nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đạt tỷ lệ 44%. Bộ cũng đã có ý kiến đối với 71 thủ tục hành chính (TTHC) tại 18 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo VBQPPL (gồm 06 luật, 09 nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 02 thông tư) do các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo; trong đó, đã đề nghị sửa đổi 57 thủ tục không hợp lý (chiếm tỷ lệ 80,28% tổng số TTHC quy định tại các đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản).

Trong Quý II, Bộ sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo VBQPPL; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là văn bản quy định chi tiết các Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ các quy định về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ....

Tại cuộc họp báo, nêu quan điểm về việc có nên hợp thức hóa mại dâm hay không, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho hay, hiện pháp luật chưa công nhận mại dâm là một nghề. Pháp luật hành chính, hình sự đều xử lý hành vi này như: người có hành vi mua bán dâm có thể bị xử phạt hành chính; tội môi giới mại dâm bị xử lý hình sự… Vì vậy, việc có công nhận hay không sẽ là cả một quá trình nghiên cứu./.

 


Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực