Quý I, Bộ Tư pháp phát hiện 16 văn bản trái luật

Thứ tư, 26/04/2017 16:33
(ĐCSVN) - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết tại cuộc họp báo công tác tư pháp Quý I, sáng 26/4 tại Hà Nội.

Trong Quý I, Bộ Tư pháp đã thẩm định 41 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), 22 đề nghị xây dựng VBQPPL và 24 điều ước quốc tế; đã kiểm tra 903 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương. Qua kiểm tra bước đầu phát hiện 16 văn bản sai về nội dung (06 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ, 10 văn bản của địa phương) và đã ra 16 thông báo đối với các văn bản sai nói trên. Hiện nay, có 13 văn bản đã xử lý, các văn bản còn lại đang trong quá trình xử lý theo quy định.

Bộ đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc ban hành văn bản quy định chi tiết. Kết quả: đối với 37 văn bản quy định chi tiết 15 luật đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 12/37 văn bản (09 nghị định, 01 quyết định, 02 thông tư), tỷ lệ ban hành cao hơn so với Quý I/2016. Riêng Bộ Tư pháp đến nay không nợ văn bản quy định chi tiết.

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: TH).

Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024; triển khai phần mềm đăng ký khai sinh, kết nối cấp số định danh cá nhân tại 12 địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Khánh Hòa) và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Tính từ ngày 01/01/2017 đến ngày 25/4/2017, Hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 182.467 trường hợp, cấp số định danh cá nhân cho 132.074 trẻ em, nâng tổng số đăng ký khai sinh từ ngày 01/01/2016 đến ngày 25/4/2017 trên Hệ thống lên là 566.814 trường hợp và cấp số định danh cá nhân trên Hệ thống lên là 440.262 trẻ em.

Chánh Văn phòng Đỗ Đức Hiển cho biết , trong Quý II, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo các kế hoạch triển khai thi hành các luật sắp có hiệu lực: Luật đấu giá tài sản, Luật tiếp cận thông tin; chuẩn bị các điều kiện triển khai thi hành các luật sau khi được kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV thông qua. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, trong đó đặc biệt là 25 văn bản quy định chi tiết 15 luật đã có hiệu lực…

Tại cuộc họp báo, một vấn đề được báo chí quan tâm đó là dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì xây dựng quy định “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng” có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động thu thập chứng cứ, đấu tranh chống tiêu cực của nhà báo, công dân, luật sư?.

Về vấn đề này, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế cho biết, dự thảo nghị định đã được gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định lần thứ 3.

“Cơ quan chủ trì soạn thảo đã thai nghén mấy năm rồi, Bộ Tư pháp cũng thẩm định rồi nhưng Chính phủ chưa ban hành được bởi trước đây nó không nằm trong danh mục  ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không phù hợp với luật. Tuy nhiên vừa qua Quốc hội thông qua Luật Đầu tư mới, đưa ngành nghề này vào phụ lục là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên Bộ Công an đã hoàn thiện lại dự thảo”- ông Hải cho hay.

Trước  nhiều ý kiến băn khoăn xoay quanh nội dung tại khoản 3, Điều 4 dự thảo nghị định có thể khiến nhà báo, người dân không được sử dụng thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, ông Hải khẳng định, theo quan điểm của Bộ Tư pháp thì nghị định này chỉ được quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, những tổ chức và cá nhân nào đáp ứng điều kiện gì được kinh doanh.

“Nghị định này không điều chỉnh về đối tượng, không điều chỉnh ai được sử dụng thiết bị này. Hiến pháp đã quy định nguyên tắc mọi tổ chức cá nhân được làm điều pháp luật không cấm, muốn cấm phải cấm bằng luật. Nếu Luật Báo chí cho phép tác nghiệp như thế nào thì các nhà báo cứ tác nghiệp theo luật” - ông Hải khẳng định./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực