Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Thứ sáu, 18/05/2018 00:29
(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, kiên quyết trả lại hồ sơ thẩm định nếu hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản hoặc hồ sơ dự án, dự thảo văn bản không đầy đủ theo quy định.

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (gọi tắt là Chương trình).


Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BL

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong gần 2 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015, việc lập Chương trình đã có những bước tiến khá tốt. Các đề xuất đưa vào Chương trình được tính toán kỹ lưỡng thông qua một “bộ lọc” mới, tăng cường ý thức, kỷ luật, kỷ cương xây dựng Chương trình. Các bộ, ngành, cơ quan đã đề xuất ban hành nhiều văn bản, góp phần đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ người dân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng công tác xây dựng Chương trình còn nhiều hạn chế đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đáng chú ý, có tình trạng một số đề xuất đưa vào Chương trình nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chưa xem xét, cho ý kiến thì đã xin rút hoặc đã đưa vào song không bảo vệ thành công trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội do chuẩn bị chưa đáp ứng được yêu cầu…

Vì vậy, Chính phủ luôn sát sao chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhưng vẫn chưa xử lý được hết các tồn tại, vướng mắc. Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận, “hiến kế” các giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập Chương trình cũng như công tác thẩm định của Bộ Tư pháp.

Báo cáo công tác thẩm định của Bộ Tư pháp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, sau gần 2 năm thi hành Luật năm 2015, công tác này đã dần đi vào nền nếp, có chất lượng hơn, tuân thủ thời hạn thẩm định và đạt hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ lập đề nghị xây dựng văn bản và soạn thảo, trình dự án, dự thảo văn bản. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thẩm định của Bộ Tư pháp còn một số tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục như chất lượng các báo cáo thẩm định chưa đồng đều, tiến độ thẩm định một số đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản còn chậm so với quy định.

Bàn về công tác thẩm định, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ là kiên quyết trả lại hồ sơ thẩm định nếu hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản hoặc hồ sơ dự án, dự thảo văn bản không đầy đủ theo quy định của Luật năm 2015; kiên quyết đề xuất không đưa vào Chương trình những đề nghị xây dựng văn bản không tuân thủ quy định của Luật năm 2015 về trình tự, thủ tục, hồ sơ và chất lượng hồ sơ không bảo đảm. Đối với cơ chế hội đồng thẩm định, theo Bộ trưởng, nên tiếp tục phát huy vai trò hội đồng nhưng cần rút kinh nghiệm tổ chức hội đồng thẩm định.

Tại hội nghị, một số đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp khi thẩm định cũng nên mạnh dạn nêu rõ trong báo cáo thẩm định là hồ sơ có đủ điều kiện hay không đủ điều kiện đưa vào Chương trình. Các đại biểu cũng đề nghị, trong thành phần hội đồng thẩm định nên mời thêm nhiều chuyên gia, nhà khoa học; dành thời gian thỏa đáng hơn để thảo luận, lắng nghe ý kiến nhiều chiều về tác động của chính sách, nhất là những chính sách “nhạy cảm”, để đảm bảo chất lượng ý kiến thẩm định./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực