Hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp

Thứ sáu, 24/03/2017 17:58
(ĐCSVN) – Ngày 24/3, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp để góp phần đảm bảo lợi ích cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam".

Khai mạc hội thảo, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương nêu rõ: Phòng, chống tiêu cực, tham nhũng nói chung và trong hoạt động tư pháp nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành tòa án càng trở nên quan trọng và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe Báo cáo nghiên cứu "Hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp để góp phần đảm bảo lợi ích cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam". Báo cáo đã nhận diện các nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của tòa án liên quan đến giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế. Theo đó, nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp liên quan đến giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế có thể xảy ra trong các khâu: tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự; xem xét, phân công thẩm phán phụ trách xét xử, giải quyết vụ việc dân sự; giải quyết vụ án quá hạn luật định; lập hồ sơ, thu thập chứng cứ và xét xử vụ án; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời… Những hành vi tiêu cực này có thể tạo ra rào cản, làm phát sinh chi phí hoặc làm mất cơ hội của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: TH).

Theo Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Tuấn Anh, một trong những giải pháp để góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng là cần phải hoàn thiện quy tắc ứng xử của thẩm phán và cán bộ, công chức ngành tòa án. Trong đó, đề cao trách nhiệm của thẩm phán hướng tới tính độc lập, công bằng trong xét xử; đảm bảo tính liêm chính, không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, không nhận hối lộ...

Nhận định  thực hiện nguyên tắc tranh tụng là yêu cầu quan trọng trong việc bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan trong hoạt động tư pháp, tuy nhiên Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh chỉ ra nguyên tắc tranh tụng lại chưa được Báo cáo đề cập đầy đủ như là một trong những giải pháp cần thiết để phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp. “Cần nghiên cứu, xây dựng cách thức tăng cường tranh tụng phù hợp với mô hình tố tụng dân dự theo hướng trao thêm quyền và trách nhiệm cho các bên chủ động thu thập, tìm kiếm chứng cứ”, LS Thịnh đề xuất.

Đề cập tới thực trạng "chạy án" trong xét xử, GS.TS Trần Ngọc Đường nêu lên hai lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này, đó là: hệ thống thủ tục tố tụng chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để cán bộ tư pháp "lách luật" và người dân chưa tin tưởng tuyệt đối vào bản án của tòa án. Trên cơ sở đó, đề nghị cần  bảo đảm sự độc lập giữa thẩm phán, kiểm sát viên và đương sự, bị cáo…

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp của tòa án, các ý kiến cho rằng cùng với nhiệm vụ cải cách về tổ chức, phải quan tâm cải cách về hoạt động hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của các doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm pháp lý của các cán bộ có chức danh tư pháp trong hoạt động tố tụng; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và xử lý kỷ luật đối với thẩm phán, cán bộ tòa án; xây dựng phần mềm điện tử hóa việc phân công án để bảo đảm minh bạch, khách quan.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực