Gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp trong đăng ký biện pháp bảo đảm

Thứ năm, 22/02/2018 18:41
(ĐCSVN) – Thực tế cho thấy, khuôn khổ pháp luật về đăng ký tài sản hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và hệ quả là việc dùng các tài sản này làm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng bị ảnh hưởng…

Theo Bộ Tư pháp, năm 2017, công tác đăng ký biện pháp bảo đảm (BPBĐ) tiếp tục có bước phát triển, góp phần vào việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về tạo điều kiện cho doanh nghiệp, khởi nghiệp.

So với năm 2016, các Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) đã giải quyết số yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và văn bản thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông tăng tới 27%, với 895.026 yêu cầu được giải quyết, trong đó, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt khoảng 54% (tăng 4% so với năm 2016. Bộ Giao thông vận tải giải quyết 403 đơn ĐKGDBĐ bằng tàu bay, tàu biển; các địa phương đã giải quyết 2.903.014 đơn đăng ký, cung cấp thông tin về ĐKGDBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và tàu bay, tàu biển (tăng 18% so với năm 2016).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khuôn khổ pháp luật về đăng ký tài sản hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: việc đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chưa được xác định rõ là quyền hay nghĩa vụ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; tàu biển tuy là động sản, nhưng cũng chỉ được thế chấp, mà không được cầm cố theo quy định của Bộ luật Hàng hải năm 2005 và năm 2015; Bộ luât Dân sự 2015 không quy định rõ về một số trường hợp thế chấp, đặt cọc, ký quỹ…Trong khi đó, hệ thống dữ liệu đăng ký sở hữu, đăng ký tài sản và đăng ký giao dịch bảo đảm hiện nay manh mún, tản mạn, do nhiều cơ quan quản lý.

Trên cơ sở các luật mới ban hành gần đây, nhất là Bộ luật Dân sự 2015, trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiến hành khảo sát, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu pháp luật kể cả kinh nghiệm quốc tế để tham mưu, đề xuất với Chính phủ các định hướng và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về đăng ký BPBĐ. 

Ảnh minh họa: Thu Lan.


Theo đó, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đăng ký BPBĐ, khắc phục những vướng mắc, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho công tác này. Bộ đã nâng cấp và chính thức vận hành Phần mềm đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản (là dịch vụ hành chính công đầu tiên cung cấp trực tuyến mức độ 4 của ngành Tư pháp), từ ngày 10/7/2017. Kết quả này mang lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính như: rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là tính minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, trong nền kinh tế thị trường, khuôn khổ pháp luật về các BPBĐ nói chung và đăng ký các BPBĐ nói riêng có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi nói về các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ trưởng chỉ ra, khuôn khổ pháp luật về đăng ký tài sản hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau và hệ quả là việc dùng các tài sản này làm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng bị ảnh hưởng.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, cần có nghiên cứu đánh giá toàn diện hơn khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực này, kể cả quy định pháp luật tố tụng, thi hành án dân sự... để có các đề xuất, định hướng hoàn thiện phù hợp.

“Hiện tại, Bộ Tư pháp đang phối hợp các bộ, ngành và địa phương tiến hành công việc nghiên cứu này. Đồng thời, trong năm 2018, Bộ Tư pháp sẽ cố gắng tổ chức thi hành tốt Nghị định số 102 nêu trên và tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với công tác đăng ký BPBĐ, nắm bắt tình hình để có tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đăng ký BPBĐ”, Thứ trưởng cho hay./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực