Có nên luật hóa tố cáo nặc danh?

Thứ tư, 26/04/2017 10:26
(ĐCSVN) - Thực tế cho thấy, có không ít trường hợp do sợ bị trả thù, trù dập nên người tố cáo không nêu rõ họ tên, địa chỉ. Nếu hoàn toàn không xem xét tố cáo nặc danh thì có thể sẽ bỏ qua một nguồn thông tin quan trọng trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật…


Đối với tố cáo hành chính, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị tố cáo, dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) quy định hai hình thức tố cáo: Tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Tại Hội thảo tham vấn dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 20/4 vừa qua, TS Nguyễn Văn Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ , cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) cho biết: Các quy định của pháp luật Việt Nam hiện tại không công nhận về mặt nguyên tắc tố cáo nặc danh. Trong những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh, trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Do đó, dự thảo Luật chưa quy định về việc  giải quyết tố cáo nặc danh.

Hội thảo tham vấn dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi). Ảnh: TH

Đồng tình với quan điểm của Chính phủ về nguyên tắc, không xem xét, giải quyết tố cáo nặc danh, không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, tuy nhiên, chuyên gia pháp luật Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản pháp luật, Bộ Tư pháp cũng lưu ý, cần có quy định xử lý trong trường hợp tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, có các thông tin, sự kiện cụ thể, có tài liệu, băng hình kèm theo… để chứng minh cho việc tố cáo và cơ quan nhà nước không gặp khó khăn khi xác minh, kết luận vụ việc. Bởi trên thực tế, có không ít trường hợp do sợ bị trả thù, trù dập nên người tố cáo không nêu rõ họ tên, địa chỉ.

TS Đỗ Gia Thư - nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ phân tích: “Nếu chúng ta bỏ qua những tin tố cáo nặc danh thì sẽ mất đi nhiều thông tin quan trọng. Vấn đề là có cơ chế sàng lọc thông tin, chứ không phải bỏ đi hết. Có những thông tin ban đầu tưởng không quan trọng nhưng sau khi xác minh lại thì đúng là sự thật”.

TS Đỗ Gia Thư kiến nghị, về mặt kỹ thuật, việc tiếp nhận và xử lý ban đầu đơn tố cáo nặc danh, mạo danh cũng phải đưa vào quy trình chung tiếp nhận thông tin và xử lý ban đầu tất cả các hình thức thông tin. Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo nặc danh thì bộ phận tiếp nhận nghiên cứu đơn, nếu nội dung tố cáo có căn cứ rõ ràng thì trình người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý giải quyết tố cáo; nếu nội dung tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển đến cơ quan tố tụng và ngược lại, nếu thông tin, tài liệu, bằng chứng không rõ ràng thì lưu đơn, lưu trữ thông tin phục vụ cho yêu cầu quản lý.

Nhấn mạnh việc mở rộng các hình thức tố cáo cũng như xử lý cả tố cáo nặc danh, mạo danh sẽ làm cho cơ quan chức năng vất vả hơn vì việc xác minh khó khăn và tốn kém về thời gian, kinh phí và công sức hơn, nhưng TS Đỗ Gia Thư cho rằng, việc đó lại có tác dụng khuyến khích có nhiều người mạnh dạn tố cáo hơn. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng có thêm nhiều thông tin người vi phạm, giúp cho công tác quản lý Nhà nước có hiệu quả hơn.

Theo ông Trần Huy Liệu - nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), quan niệm tố cáo nặc danh gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết tố cáo là không đúng trong trường hợp người tố cáo đã cung cấp đầy đủ tất cả các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm và người vi phạm, có cơ sở thẩm tra, xác minh, vụ việc. Tố cáo nặc danh trong trường hợp trên không gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà ngược lại còn tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm tiền của cho cơ quan nhà nước vì không phải áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo. Quy định không thụ lý tố cáo nặc danh chỉ vì không biết được họ, tên, địa chỉ của người tố cáo là không phù hợp với thực tiễn vì trong bối cảnh hiện nay, không ít trường hợp người tố cáo bị trả thù, bị trù dập, chưa có cơ chế bảo vệ người tố cáo hiệu quả nên người tố cáo không muốn tiết lộ danh tính của mình.

Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, ông Trần Huy Liệu cho rằng, cần quy định linh hoạt hơn trong trường hợp tố cáo qua bưu chính, thư điện tử, fax hoặc đơn tố cáo nặc danh, không xác định được họ tên, địa chỉ của người tố cáo nhưng nội dung tố cáo có đầy đủ thông tin về người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật, có thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm pháp luật, có cơ sở thẩm tra, xác minh, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người tiếp nhận vẫn thụ lý vụ việc tố cáo và trình Thủ trưởng cơ quan quản lý quyết định việc xem xét, giải quyết hoặc sử dụng phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực