Cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Thứ năm, 09/05/2019 22:48
(ĐCSVN) - Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các vấn đề liên quan đến giải thích từ ngữ, tính thống nhất, cụ thể trong quy định của Luật; làm rõ một số vấn đề còn ý kiến cách nhau; các vấn đề liên quan đến kỹ thuật văn bản.
 
Chiều 9/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; cho ý kiến vào việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban TCNS đã báo cáo và tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu chuyên trách về Dự án Luật Đầu tư công, Ủy ban TCNS dự kiến tiếp thu và giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về các nội dung: Áp dụng luật Đầu tư công; Giải thích từ ngữ; Đối tượng và phân loại dự án đầu tư công; Trường hợp không phải quyết định chủ trương đầu tư; Về quy trình xây dựng, phê duyệt và giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn Về việc trích dự phòng; Về thời gian chuyển nguồn và thời hạn giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm và hằng năm; Về tập trung quản lý vốn đầu tư công về một đầu mối cùng với Ngân sách nhà nước; Về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân; Về căn cứ thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn…

Về phạm vi sửa đổi Luật, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban TCNS và Chính phủ rà soát các nội dung sửa đổi, tập trung vào những vấn đề tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công, hạn chế tối đa việc sửa các quy định chưa thực sự cần thiết theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với từng loại nguồn vốn, phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước (NSNN); đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định nguồn vốn; lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; lập, thẩm định, phê duyệt và giao Kế hoạch, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm... Căn cứ phạm vi và số lượng các điều, khoản cần sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện và đồng bộ của Dự thảo Luật, UBTVQH xin được đổi tên Dự án Luật “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công” thành Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đối với nội dung về đối tượng và phân loại dự án đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS giải trình rõ, đối với cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách: Thực tế thời gian qua, NSNN vẫn cấp vốn điều lệ và cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đây là trách nhiệm của Nhà nước khi giao trách nhiệm cho các ngân hàng cho vay để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với lãi suất ưu đãi, phù hợp với định hướng từng thời kỳ. Do đó, giữ quy định các khoản chi trên là chi đầu tư phát triển như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, nghiên cứu quy định cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, làm rõ trách nhiệm đối với việc quản lý, sử dụng hiệu quả khoản chi này. Đối với việc cấp vốn điều lệ cho các quỹ: Theo quy định tại Khoản 11 Điều 8 của Luật NSNN, NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Trường hợp được NSNN hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải đảm bảo phù hợp với khả năng của NSNN. Do vậy, để quản lý chặt chẽ nguồn vốn này, giữ quy định nội dung cấp vốn điều lệ tại Dự thảo Luật đã trình Quốc hội và thể hiện cụ thể tại Khoản 7 Điều 5 của Dự thảo Luật mới.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các vấn đề liên quan đến giải thích từ ngữ, tính thống nhất, cụ thể trong quy định của Luật; làm rõ một số vấn đề còn ý kiến cách nhau; các vấn đề liên quan đến kỹ thuật văn bản.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật sửa đổi lần này phải giải quyết được vấn đề thực tế, nhất là những tồn tại về đầu tư công; cần cố gắng trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 này. Do đó, phải xem lại phạm vi sửa đổi Luật theo hướng sửa đổi một số những quy định còn hạn chế, bất cập để khắc phục những tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xem lại khái niệm đầu tư công trong mối tương quan với khái niệm tại các luật khác có liên quan; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cần xem xét cho thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tránh những xung đột, vướng mắc.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của Ủy ban Pháp luật, các thành viên UBTVQH tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện báo cáo giải trình tiếp thu; thời gian để thông qua Dự án luật là theo quy trình 2 kỳ họp, do đó, trong Kỳ họp Quốc hội thứ 7 này sẽ khẳng định quyết tâm thông qua Dự luật.

Không giảm thời gian chất vấn và trả lời chất vấn

Cho ý kiến vào việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến kỳ họp diễn ra trong 20 ngày, từ 20/5-14/6. Văn phòng đã triển khai điều chỉnh phần mềm cho phù hợp việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử tại hội trường về một số nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau của dự án, dự thảo và sẽ hướng dẫn đại biểu về cách thực hiện ngay sau phiên họp trù bị. Theo Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trên cơ sở tổng hợp các nhu cầu thông tin cần cung cấp, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với một công ty triển khai xây dựng phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp cho đại biểu Quốc hội dùng trên các thiết bị di động. Theo đó, mỗi đại biểu sẽ có một chiếc Ipad để sử dụng tại hội trường, dùng để tra cứu được tất cả các tài liệu, trừ tài liệu mật.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị giảm thời gian tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn cũng như bố trí làm việc thêm 2 ngày thứ Bảy (ngày 25/5 và 8/6) để dành thời gian thảo luận một số dự án luật có tác động rộng, còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế và thời gian tiến hành kỳ họp, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị giữ lượng thời gian 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, nửa ngày ở hội trường cho mỗi dự án, dự thảo luật.

Không bố trí làm việc ngày thứ Bảy để dành thời gian cho các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc dự phòng trong trường hợp có nội dung xét thấy cần thiết phải tăng thời gian thảo luận./.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực