Cần phân loại tội phạm cụ thể đối với pháp nhân

Thứ ba, 28/03/2017 17:10
(ĐCSVN) - Sáng 28/3, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13". Trong đó, vấn đề được các đại biểu quan tâm là trách nhiệm hình sự của pháp nhân; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi…

Lo ngại người chưa thành niên bị xúi giục phạm tội

Xung quanh phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169) còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Ngay trong quá trình soạn thảo cũng có nhiều ý kiến.

Có ý kiến đề nghị người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vẫn phải chịu tránh nhiệm hình sự về ba tội danh nêu trên, kể cả trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng.

Ý kiến khác lại đề nghị chỉ xử lý về ba tội danh trên khi thuộc loại tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Chỉ ra trong quá trình thảo luận có quan điểm cho rằng phải quy định xử hình sự để ngăn chặn bạo lực học đường, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên bày tỏ quan điểm không đồng tình. Bởi theo ông Tuyên, “bạo lực học đường xảy ra là do lỗi của chúng ta, lỗi của người lớn, của nhà trường, của gia đình, của xã hội, không phải bắt con trẻ gánh lỗi đó”, ông Tuyên nói.

Đồng thời, theo ông Tuyên, việc không quy định xử hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm 3 tội danh trên khi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng là phù hợp với công ước quốc tế.

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TL).

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội lại không đồng ý với cả hai phương án trong dự thảo và đề nghị giữ nguyên quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Cụ thể, “người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính lo ngại, người chưa thành niên sẽ có thể bị các thế lực xấu lợi dụng, xúi giục thực hiện hành vi phạm tội.

Đồng quan điểm, Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng Phạm Đức Tuyên nêu quan điểm hiện nay chưa nên thay đổi chính sách xử hình sự đối với người chưa thành niên. “Hiện nay, tình hình lợi dụng trẻ em để phạm tội, trong đó có khủng bố, rất phức tạp. Vì vậy, cần giữ nguyên quy định như Bộ Luật Hình sự năm 1999”.

Phân loại tội phạm pháp nhân còn chung chung, khó quy trách nhiệm

Tán thành với quan điểm cần bổ sung Khoản 2, Điều 9 về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại, tuy nhiên, Phó Chánh án TAND thành phố Hải Phòng Phạm Đức Tuyên đánh giá cách phân loại tội phạm đối với pháp nhân dựa trên tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, sau đó dẫn chiếu đến Khoản 1, Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Phân loại tội phạm) và các điều luật quy định về các tội phạm cụ thể là chưa phù hợp, còn chung chung, gây khó khăn cho quá trình áp dụng.

Theo  ông Tuyên, ngoài việc căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, cần căn cứ vào hình phạt và mức phạt để phân loại tội phạm đối với pháp nhân (tương tự như cách phân loại tội phạm đối với thể nhân) theo Khoản 1, Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015. “Việc phân loại tội phạm sẽ giúp việc định lượng mức hình phạt đối với pháp nhân chính xác, công bằng hơn”, ông Tuyên nói.

Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh Hoàng Văn Tiền đề nghị, cần có quy định trách nhiệm hình sự cụ thể khi các cá nhân với danh nghĩa quyết định của tập thể gây ra hành vi phạm tội cho pháp nhân, nhằm đảm bảo tính răn đe của pháp luật./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực