Cà Mau tích cực tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Thứ sáu, 11/05/2018 18:13
(ĐCSVN) - Những năm qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Cà Mau đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm tăng cường tuyên truyền pháp luật cho ngư dân đi biển, đồng thời xử lý nghiêm đối với những chủ tàu thuyền vi phạm pháp luật.
Tàu cá của ngư dân huyện Trần Văn Thời đang neo đậu tại bến. (Ảnh: Báo Cà Mau)

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau đã ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Trước đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã có nhiều cuộc họp, tổ chức nhiều đoàn công tác xuống tận cơ sở để chỉ đạo về vấn đề này.

Theo đó, tỉnh Cà Mau đã xây dựng dự án hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển để giám sát các tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và bắt buộc chủ tàu khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác. Ngoài ra, cấm mua bán, vận chuyển một số đối tượng hải sâm liên quan đến đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển các nước.

Cà Mau đã triển khai sử dụng hệ thống quan sát tàu cá, ngư trường, nguồn lợi thuỷ sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar. Đây được xem là một trong những cách hiệu quả nhất để giám sát việc khai thác, đánh bắt của ngư dân trên biển, giúp ngành chức năng có thể quản lý, ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài. Thực hiện Dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thuỷ sản bằng công nghệ vệ tinh - Movimar", tỉnh Cà Mau đã lắp đặt 153 thiết bị định vị vệ tinh Movimar, giám sát được hành trình của tàu cá tại mọi thời điểm. Bên cạnh đó, có thể sử dụng trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; sự cố kỹ thuật đối với tàu cá trên biển; dự báo thời tiết trên biển, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới... Hiện nay, địa phương đang tiếp tục lắp các thiết bị giám sát để quản lý tàu khai thác trên các vùng biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp; bắt buộc các tàu cá lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với các trạm quản lý tại bờ.

Cà Mau đã tập trung đồng bộ các giải pháp, từ việc tuyên truyền pháp luật, tổ chức cho ngư dân đi biển tìm hiểu các vùng biển giáp ranh với vùng biển Việt Nam, đến thông tin về ngư trường khai thác, hỗ trợ ngư dân khi gặp khó khăn về ngư trường... Các cơ quan chức năng địa phương tăng cường quản lý khai thác hải sản trên biển, xây dựng kế hoạch ngăn chặn tại địa bàn để vận động ngư dân, thuyền trưởng, chủ tàu trước, trong, sau mỗi chuyến ra khơi; phối hợp với các lực lượng tuần tra trên biển tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài.

Để giúp chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên hiểu rõ vùng biển khai thác an toàn, với chức năng của mình, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Cà Mau phối hợp địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn hoạt động khai thác thuỷ sản trên vùng biển Cà Mau; tập huấn phổ biến các quy định về quản lý khai thác thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho  ngư dân tại các cửa biển có tàu thuyền đánh bắt tập trung như: Cái Đôi Vàm, Sông Đốc, Khánh Hội... 

Ngoài ra, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cũng luôn theo sát, vận động, tuyên truyền ngư dân không khai thác vi phạm vùng biển các nước. Vận động các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.  Các đơn vị tập trung tuyên truyền cho ngư dân nắm chắc các quy định của pháp luật có liên quan trong hoạt động khai thác thủy, hải sản; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy, hải sản. Bộ đội Biên phòng cũng tuyên truyền cho ngư dân một số văn bản pháp luật liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân đối với biển, đảo và nguồn tài nguyên của đất nước, trong đó có công trình đường ống dẫn khí đi qua vùng biển Cà Mau. Kêu gọi các chủ tàu và thuyền trưởng nắm vững các nội dung quy định của Nhà nước trong khai thác và nêu cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, tránh vi phạm pháp luật khi hành nghề trên biển...

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể ở Cà Mau còn tổ chức hàng trăm cuộc phổ biến giáo dục pháp luật cho trên 7.000 hội viên, đoàn viên và cán bộ các đoàn thể; tổ chức hội thảo với ngư dân về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại các vùng trọng điểm... Từ những nỗ lực của các ngành chức năng và các địa phương giúp ngư dân bám biển, đoàn kết, hỗ trợ và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp trong khai thác trên biển; giúp ngư dân hiểu được ngư trường khai thác và vùng biển không được khai thác, ngư dân các vùng biển đã thể hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực