Bí thư không phải người địa phương sẽ khắc phục tình trạng bổ nhiệm người nhà

Thứ ba, 22/05/2018 15:03
(ĐCSVN) – Việc người đứng đầu không phải người địa phương sẽ góp phần hạn chế việc bổ nhiệm cán bộ không đúng hay hiện tượng cục bộ, bè phái, bổ nhiệm người nhà mà không bổ nhiệm người tài.

Đây là khẳng định của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Bình khi trao đổi với phóng viên bên hành lang kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Ngày 19/5, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW).

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương khẳng định, Nghị quyết này là bước đột phá quan trọng, đặt ra yêu cầu sắp tới phải có cải cách và thay đổi đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đối với nền hành chính quốc gia.

Đặc biệt, theo đại biểu, với đột phá thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện sẽ góp phần khắc phục tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng hay hiện tượng cục bộ, bè phái, bổ nhiệm người nhà mà không bổ nhiệm người tài.  

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Ảnh: KT)

Trước lo ngại, nếu Bí thư người địa phương khác thì có thể bị cô lập, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương khẳng định: “Tình trạng này có thể xảy ra, nhưng trong tình hình hiện nay thì không đến nỗi. Thời gian qua có rất nhiều cán bộ Trung ương luân chuyển về địa phương và phần lớn trưởng thành chứ không thấy bị cô lập”.

Theo ông, vấn đề ở chỗ là người ấy có tài năng không và có phát huy được năng lực, phẩm chất đạo đức và trí tuệ hay không. Một người về địa phương mà không có bản lĩnh, xuôi chiều theo một xu hướng nào đó, theo một nhóm nào đó thì việc bị cô lập là điều tất yếu xảy ra.

Tuy vậy, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng không nên đưa người ở những địa phương quá xa nhau. “Người miền Trung thì bố trí về miền Trung hoặc là người miền Bắc thì nên đi các tỉnh ở miền Bắc… Họ sẽ hiểu đặc điểm văn hóa tính cách, con người thì thuận lợi hơn” – ông ví dụ.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, vừa rồi, Trung ương Đảng có tổ chức hội thảo về kiểm soát quyền lực chống chạy chức chạy quyền. Việc này được nhân dân đồng tình rất cao, là bước đột phá trong vấn đề thiết lập, hình thành đội ngũ cán bộ để hạn chế vấn đề chạy chức chạy quyền, hạn chế bổ nhiệm người nhà mà không bổ nhiệm người tài. Đặc biệt, đây sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng thể chế, một khung sắt để xây dựng thể chế trong quá trình bổ nhiệm cán bộ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề bổ nhiệm cán bộ “nợ” tiêu chuẩn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đánh giá, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực, cụ thể, kiểm tra, xử lý nhiều cán bộ, lãnh đạo giữ vị trí quan trọng nhưng để xảy ra vi phạm. Việc này đã tạo niềm tin mạnh mẽ trong nhân dân, chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức cán bộ thời gian tới./.

Minh Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực