Băn khoăn với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Thủy lợi

Thứ hai, 20/02/2017 21:29
(ĐCSVN) – Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, chiều 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật Thủy lợi.

     

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTXVN)
           

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủy lợi của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, dự luật này còn nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh, về đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, về phân cấp quản lý công trình thủy lợi, về cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, tài chính cho thủy lợi...

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, đa số ý kiến của các vị ĐBQH nhất trí với phạm vi điều chỉnh như quy định tại Điều 1 của Dự thảo Luật trình Quốc hội, đồng thời đề nghị cần rà soát các nội dung khác tránh trùng lặp với một số luật đã ban hành như: Luật Tài nguyên nước, Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Giá…

Một số ý kiến ĐBQH cho rằng, quy định về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật là chưa thực sự rõ ràng, bao quát hết các nội dung của Luật như: bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và các hoạt động có liên quan trực tiếp đến thủy lợi; chưa thể hiện được tính đa mục tiêu của hoạt động thủy lợi và mối quan hệ giữa thủy lợi với các ngành kinh tế khác.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT và Ban soạn thảo thấy rằng, việc ban hành Luật Thủy lợi được nâng cấp từ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi nhằm tập trung giải quyết các vấn đề bất cập chủ yếu trong việc thực thi pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tuy nhiên, do tính chất đa mục tiêu của công trình thủy lợi nên phạm vi điều chỉnh của Luật có một số vấn đề liên quan đến khai thác, sử dụng nước trong công trình thủy lợi, như: cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ, kết hợp phát điện, khai thác du lịch… Đối với các công trình chuyên dụng đã được điều chỉnh trong văn bản pháp luật khác như: công trình thủy điện, giao thông thủy, công trình cấp nước sinh hoạt… thì Luật Thủy lợi sẽ không điều chỉnh.

Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, trong phạm vi điều chỉnh của Luật, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa như tại Điều 1, đồng thời chỉnh sửa 03 khái niệm “thủy lợi”, “hoạt động thủy lợi”, “công trình thủy lợi” tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 3 để giới hạn các hoạt động thủy lợi cần điều chỉnh trong Luật, tránh chồng chéo với các Luật đã ban hành. 

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đặt câu hỏi, chúng ta có hệ thống thủy điện rất lớn, có lẽ chi phối công tác thủy lợi, vậy phạm vi điều chỉnh dự luật có đưa vào không?.

Trả lời tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho hay, khi xây dựng Luật Thủy lợi theo kế hoạch làm luật thì đã rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến điều chỉnh lĩnh vực nước. Hiện nay, những luật liên quan chính nhất gồm: Luật Tài nguyên nước; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều. Trong đó, Luật Tài nguyên nước như một luật khung, điều chỉnh tất cả vấn đề liên quan đến nước, kể cả phòng chống thiên tai, tưới tiêu... Vì vậy, nên khi xây dựng Luật Thủy lợi, lúc đầu nhiều ý kiến cũng đề nghị điều chỉnh cả những công trình liên quan đến công tác thủy lợi như các hồ chứa thủy lợi, nhưng khi đưa ra thảo luận thì các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương góp ý kiến rằng nếu làm vậy có khả năng chồng chéo giữa các luật với nhau. Hơn nữa, việc điều chỉnh các công trình trên hệ thống sông thì Luật Tài nguyên nước đã điều chỉnh. Từ đó, Chính phủ cũng đã xây dựng các nghị định, quyết định về vận hành. Do vậy, khi xây dựng dự luật, Ban soạn thảo chủ yếu hướng vào điều chỉnh vấn đề liên quan tưới tiêu phục vụ cho nông nghiệp.

Không đồng tình với giải trình trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: “Sông là nguồn nước chính cho ngành thủy lợi, các công trình thủy điện là đa năng, đa tác dụng, vừa cung cấp điện, đặc biệt cung cấp lớn nhất là nước cho sản xuất. Vậy mà luật bỏ đi không nói gì đến các đập, chỉ nói về cơ sở hạ tầng tưới tiêu là không tương xứng với tầm của luật. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu thêm phạm vi điều chỉnh”

Mặt khác, ông cho rằng dù là hệ thống tưới tiêu nếu mang tầm cấp quốc gia thì bao giờ cũng gắn với quốc phòng an ninh, nhưng trong luật nói về quốc phòng an ninh còn quá ít.

Tham dự phiên họp, bày tỏ tâm huyết với dự luật Thủy lợi, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Ban soạn thảo phải tính được luật này nâng cấp được gì so với pháp lệnh, giải quyết được vấn đề gì? Ông cũng chỉ ra một số nhược điểm, thiếu sót mà luật chưa tính đến. Đó là luật chưa khắc phục được việc mất nước, giữ nước. “Thủy điện thì thủy lợi là chính chứ không phải thủy điện là chính, giữ nước là chính, điều hòa nước là chính, cấp nước cho sản xuất và tiêu dùng của người dân là chính chứ không phải để làm điện là chính” – ông nhấn mạnh.

Mặt khác, đề cập đến tình trạng có những vùng thừa nước, những vùng hạn hạn quanh năm, ông Nguyễn Sinh Hùng nói “chưa thấy luật tính đến việc này, làm luật thủy lợi phải giải quyết được chuyện này, phải đảm bảo hồ đập tất cả mọi nơi giữ được nước, đủ để cung cấp hợp lý cho sản xuất và tiêu dùng”.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng luật phải gắn được với biến đổi khí hậu...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, đồng thời nhấn mạnh đây là cơ hội để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có được yếu tố số 1 để có nền nông nghiệp sản xuất hiện đại.

Cũng trong chiều nay, UBTVQH cho ý kiến về Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực