Đưa pháp luật đến gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa

Thứ sáu, 01/02/2019 23:22
(ĐCSVN) - Nếu công tác phổ biến giáo dục pháp luật là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống thì đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chính là cầu nối đưa pháp luật đến với mọi người, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018-2021”. Để Đề án đạt hiệu quả cao, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018; bám sát nội dung, mục tiêu của Đề án, các đối tượng hướng đến của Đề án để tuyên truyền, phổ biến pháp luật…nhằm đảm bảo công tác tuyên truyền, PBGDPL được thực hiện một cách đồng bộ, đạt hiệu quả, thiết thực phù hợp với từng đối tượng.

Với mục đích hướng về cơ sở, năm 2018 công tác PBGDPL đã được quan tâm chú trọng tổ chức 34 hội nghị, cuộc tuyên truyền điểm tại cơ sở với trên 14.600 lượt người tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như các xã Khao Mang, Chế Cu Nha, Mồ Dề, Kim Nọi, Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải); xã Bản Công, Bản Mù, Xã Hồ, Hát Lừu (huyện Trạm Tấu); xã An Lạc, Mường Lai, Vình Lạc (huyện Lục Yên); xã An Thịnh, An Bình, Xuân Ái, Châu Quế Hạ, Mỏ Vàng, Hạnh Sơn (huyện Văn Yên) và một số xã thuộc huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ…; tổ chức 01 buổi tuyên truyền tại trường học cho 487 lượt học sinh và tổ chức 02 buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa tại xã Yên Bình (huyện Yên Bình), xã Yên Thái (huyện Văn Yên).

 

Cán bộ đến nhà dân để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Ảnh: DT


Nội dung PBGDPL tập trung vào các quy định pháp luật mới, chú trọng đến một số nội dung  của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Phòng chống ma túy, Luật Giao thông đường bộ…

Đáng chú ý, việc tuyên truyền đã được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, biện pháp, trong đó chú trọng, hướng mạnh công tác này về cơ sở, đặc biệt là việc thực hiện tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, kết hợp tuyên truyền miệng và phát tờ rời pháp luật; tuyên truyền bằng song ngữ (Kinh - Mông), với phương châm “mưa dầm thấm lâu” đã thu hút được sự quan tâm đông đảo bà con nhân dân. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là bà con nhân dân tại cơ sở, là công cụ giúp nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Cùng với đó, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ được chú trọng cho gần 300 hòa giải viên, tổ chức trên 30 buổi tuyên truyền điểm tại cơ sở, tổ chức các hội nghị cho báo cáo viên, cán bộ pháp chế các sở, ngành..

Tuy nhiên, Yên Bái có trên 30 dân tộc anh em, trong đó trên 56% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tập trung chủ yếu ở 81 xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh. Là một tỉnh miền núi địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều, việc PBGDPL cũng đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức.

Bà Nguyễn Thu Phương, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái chia sẻ: Do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn; cơ sở hạ tầng, kinh tế chưa phát triển; trình độ dân trí không đồng đều, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết thông thạo tiếng phổ thông, một số phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại, do vậy công tác PBGDPL gặp những trở ngại về nhận thức cũng như nguồn nhân lực, đặc biệt là kinh phí dành cho công tác này còn hạn hẹp.

Thực tế cho thấy những việc tưởng đơn giản như không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy; cho trẻ chưa đủ tuổi chạy xe máy, xe cày; chở ba chở bốn người … lại là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại những hậu quả không nhỏ đối với gia đình, thôn xóm nơi đây. Hay nhưng việc như, chậm đăng ký khai sinh cho con, không khai tử cho người chết, hiện tượng tảo hôn; vụ án hình sự, dân sự về gây thương tích, hôn nhân và gia đình, gây mất an ninh trật tự xã hội, lừa đảo,... một phần đều do người dân thiếu hiểu biết về pháp luật.

Chị Lò Thị Chiến, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cho hay, trước đây chị ít quan tâm đến pháp luật vì nghĩ đây là vấn đề rộng lớn, khó hiểu. Tuy nhiên, từ khi tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của huyện, xã tổ chức, được các cán bộ, báo cáo viên pháp luật tận tình phổ biến, tuyên truyền, giải thích chị đã hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách pháp luật của  Đảng, Nhà nước để vận động mọi người trong gia đình mình thực hiện đúng quy định pháp luật của Nhà nước.

Để pháp luật thực sự đi sâu vào cuộc sống, đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục không ngừng cải tiến, đa dạng hóa nội dung, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức, biện pháp PBGDPL, tập trung cho cơ sở và đặc biệt chú trọng đến đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL. Bởi nếu công tác PBGDPL là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống thì đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chính là cầu nối đưa pháp luật đến với mọi người, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, DTTS. Mặt khác, cần kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc; chú trọng đến các tập thể, cá nhân ở cơ sở, là người DTTS…/.

 

 

 

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực