Sự cần thiết quy định chuẩn mực đạo đức nghề công tác xã hội tại Việt Nam

Thứ ba, 28/10/2014 09:30

(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn đạo đức là một trong những yêu cầu hàng đầu của quá trình chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội. Các quy điều đạo đức sẽ là sự cụ thể hóa các giá trị, mục tiêu và nguyên tắc của nghề công tác xã hội nói chung và bản sắc của công tác xã hội Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam vẫn chưa có những quy định chuẩn mực cụ thể về đạo đức đối với những người làm nghề này.

Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020” (gọi tắt là Đề án 32). Một trong những mục tiêu của Đề án phát triển giai đoạn 2010 - 2015 là: ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ, tiêu chuẩn đạo đức...

Cũng như mọi ngành nghề tồn tại trong xã hội, đặc biệt là những nghề có mối liên hệ xã hội sâu rộng, công tác xã hội cần thiết phải xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức của mình. Các tiêu chuẩn đạo đức (hay còn gọi là các chế định đạo đức) có thể tồn tại ở dạng thành văn, được công bố chính thức và rộng rãi trong toàn xã hội, cũng có thể chỉ tồn tại dưới dạng những quy ước ngầm thông qua các hành vi ứng xử và sự chấp nhận trong cộng đồng. Nhưng dù tồn tại dưới dạng nào thì những tiêu chuẩn đó vẫn phải phản ánh mức độ chuyên nghiệp hóa của nghề nghiệp và thể hiện được mong muốn của xã hội đối với nghề. Tính chuyên nghiệp và ảnh hưởng xã hội của nghề càng cao thì yêu cầu về sự chuẩn hóa càng lớn. Do vậy, một nghề cụ thể khi phát triển đến một trình độ nhất định bao giờ cũng phải xây dựng cho mình những bảng tiêu chuẩn nghề nghiệp cụ thể. Trong đó, tiêu chuẩn đạo đức nghề luôn được đặt lên hàng đầu.

Sứ mệnh hàng đầu của công tác xã hội là nâng cao tình trạng khỏe mạnh của con người và hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của những người dễ bị tổn thương, những người cần được hỗ trợ và người nghèo trong xã hội. Bởi vì, tình trạng khỏe mạnh của cá nhân là kết quả của tình trạng khỏe mạnh của môi trường xã hội. Công tác xã hội sẽ chú trọng tới các lực tác động của môi trường nhằm giải quyết các vấn đề của tình trạng con người. Sứ mệnh nghề nghiệp này được cụ thể hóa trong bộ giá trị nghề công tác xã hội mà mỗi quốc gia có sự chú trọng và sắp xếp khác nhau. Những giá trị được đề cập được coi là nền tảng để xây dựng nên những nguyên tắc đạo đức cho nhân viên xã hội. Bất cứ một ngành nghề nào cũng cần có những quy định riêng để những nhân viên hoạt động trong lĩnh vực đó có định hướng và biết được quyền hạn cũng như trách nhiệm của mình. Đối với công tác xã hội cũng vậy, Nhà nước cần có những quy định về đạo đức dành cho nhân viên xã hội làm kim chỉ nam cho các hoạt động của họ.

Trong thời điểm hiện nay, khi công tác xã hội ở nước ta đang bắt đầu những bước đi đầu tiên, vấn đề đạo đức nghề nghiệp cần phải được nhận thức một cách đầy đủ hơn bao giờ hết.

 

Quy định về chuẩn mực đạo đức sẽ làm kim chỉ nam cho các hoạt động
 của người làm nghề công tác xã hội
. (Nguồn: baoquangninh.com.vn)
 

Trước khi Việt Nam ban hành mã nghề và những quy định cụ thể cho công tác xã hội hoạt động như một nghề chính thức và chuyên nghiệp, thì trong thực tế đã có các nhân viên xã hội hoạt động trong một số lĩnh vực tại nhiều tổ chức và cơ quan khác nhau. Họ có thể là những nhân viên xã hội chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp, làm việc theo kinh nghiệm mà chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp. Song họ đã và đang trợ giúp cho rất nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội. Mặc dù chưa hề có những quy định về đạo đức chung cho tất cả những người làm công tác xã hội ở Việt Nam hiện tại, song thực tế cho thấy, các nhân viên xã hội đã thực hiện những nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức của nghề công tác xã hội.

Từ hoạt động can thiệp trợ giúp của các tổ chức nêu trên cho thấy, đội ngũ nhân viên xã hội tại đó đã thực hiện được những nguyên tắc cơ bản trong giá trị đầu tiên về nhân quyền và tôn trọng phẩm giá con người, cụ thể họ đã thực hiện được hoạt động trợ giúp không loại trừ bất cứ ai, hay nói cách khác nhân viên xã hội giúp đỡ tất cả những người có nhu cầu cần trợ giúp, tùy vào việc nhân viên xã hội đó làm việc trong cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nào. Các nhân viên xã hội luôn có ý thức tôn trọng tính tự quyết của các đối tượng mà họ trợ giúp để có những lựa chọn riêng và quyết định của mình, không phân biệt giá trị của họ và sự lựa chọn cuộc sống với điều kiện những quyết định này không đe dọa các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nhân viên xã hội luôn phát hiện ra những điểm mạnh, điểm tích cực và tập trung vào những thế mạnh đó của thân chủ; thúc đẩy sự tham gia của thân chủ vào các hoạt động có lợi cho họ.

Các nhân viên xã hội còn có khả năng tiếp cận các nguồn thông tin, cơ hội phát triển của các nhóm, cá nhân, cộng đồng yếu thế như: những người khuyết tật, người nghèo, dân tộc thiểu số, nhóm phụ nữ yếu thế. Tỷ lệ nghèo đói mặc dù đã giảm, song điều kiện sống của người dân vẫn chưa được bảo đảm. Những nỗ lực thay đổi của nhân viên xã hội tập trung vào nạn nghèo đói, thất nghiệp và những bất công xã hội khác. Nhân viên xã hội phấn đấu cho quyền của tất cả mọi người có được những thông tin, dịch vụ, và tài nguyên cần thiết; cơ hội đồng đều cho mọi người, và quyền của mọi người được tham gia một cách có ý nghĩa vào các quyết định liên quan; thậm chí, hiện còn rất nhiều người làm công tác xã hội không được hưởng lương chính thức, chỉ có các khoản phụ cấp ít ỏi, song họ vẫn tận tâm cho công việc.

Trên thực tế những người cần trợ giúp đến từ những vùng miền khác nhau, do đó, họ mang những đặc trưng văn hóa riêng của nơi họ sinh ra và lớn lên. Nhân viên xã hội luôn có ý thức tìm hiểu sự đa dạng của các nền văn hóa khác nhau, tôn trọng sự khác biệt văn hóa của họ. Các nhân viên xã hội có ý thức rèn luyện thêm kỹ năng, tay nghề. Đồng thời họ luôn sử dụng những kỹ năng của mình vào mục đích nghề nghiệp trợ giúp đối tượng, không lợi dụng công việc để tư lợi riêng hoặc làm những điều phi nhân tính. Một số trung tâm, tổ chức, nguyên tắc bảo mật các thông tin đã được thực hiện nghiêm ngặt, tạo được niềm tin cho đối tượng khi đến với dịch vụ. Các nhân viên xã hội chuyên nghiệp đi trước luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, hướng dẫn cho những nhân viên xã hội kế cận, đặc biệt là những sinh viên công tác xã hội được gửi xuống các cơ sở thực tập. Song bên cạnh những mặt tích cực luôn tồn tại những hạn chế nhất định. Vì chưa có quy điều đạo đức cho những người làm công tác xã hội ở Việt Nam, vì thế một số nguyên tắc đạo đức được thừa nhận trên thế giới đã chưa được thực hiện triệt để ở nước ta.

Các tiêu chuẩn đạo đức cụ thể được quy định dành cho nhân viên xã hội chuyên nghiệp, song ở Việt Nam chưa ban hành Bản Quy điều đạo đức, đồng thời, những người làm công tác xã hội cũng chỉ là bán chuyên nghiệp. Do đó, để xây dựng được Bản Quy điều đạo đức nghề nghiệp, trước hết cần có một Hiệp hội nghề nghiệp nhằm tập hợp tất cả các nhân viên xã hội chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp có thể bảo đảm được chuẩn mực về chất lượng công việc. Từ đó những thành viên trong Hiệp hội cùng nhau xây dựng nên những quy điều đạo đức cho Việt Nam dựa theo những quy điều đạo đức chung đã áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới trong thời gian qua. Đồng thời, giá trị đầu tiên cần được đề cao trong quy điều đạo đức công tác xã hội chính là nhân quyền và phẩm giá của con người. Đây là những nguyên tắc cơ bản chi phối các hoạt động của công tác xã hội như: sự tôn trọng đối với thân chủ; mục tiêu cao nhất vì lợi ích của thân chủ; tôn trọng tính tự quyết của thân chủ ...

Ngoài ra, các tiêu chuẩn đạo đức cần cụ thể hóa, chi tiết về vai trò trách nhiệm của nhân viên xã hội đối với thân chủ, với đồng nghiệp, với cơ quan/tổ chức đang công tác, trách nhiệm với nghề nghiệp và xã hội. Cũng như việc, để những quy điều được vận hành và đạt được hiệu quả theo đúng mục đích đặt ra, cần có cơ quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức đã được đặt ra của nhân viên xã hội.

Như vậy, việc ban hành quy định chuẩn mục đạo đức nghề công tác xã hội dành cho nhân viên xã hội Việt Nam sẽ là sự hội tụ của những giá trị và nguyên tắc đạo đức đã được quốc tế thừa nhận và thực hiện; đồng thời cũng mang những yếu tốt bản sắc riêng, phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam./.
 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực