Thành công từ sự đồng thuận

Thứ sáu, 19/05/2017 18:25
(ĐCSVN) - Sau 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách giai đoạn 2012 - 2016, NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã đạt được những kết quả vượt bậc, tạo được sự chuyển biến mới, hiệu quả về nguồn lực và quản lý các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Người nghèo ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú (Trà Vinh) nhận vốn vay ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch xã (Ảnh: T.A)

Hơn 5 năm về trước, Trà Vinh là một tỉnh nghèo trong khu vực ĐBSCL, điểm xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao (20,23%), trong đó có đến 19.756 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 55,64% tổng số hộ nghèo. Đây cũng là thách thức lớn, có ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.

“Vào thời điểm năm 2011, hoạt động tín dụng chính sách tại Trà Vinh đã phát sinh những mặt hạn chế, yếu kém dẫn đến chất lượng tín dụng thấp, nợ quá chiếm tỷ lệ cao, số nợ quá hạn của toàn chi nhánh vào thời điểm đó là hơn 51 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,87% tổng dư nợ”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Trà Vinh Dương Duy Phong nhớ lại.

Từ thực tế này, đầu năm 2012, NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác quyết liệt triển khai các giải pháp của Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Trong đó tập chung phân tích đánh giá từng món nợ quá hạn, từng khoản lãi tồn đọng, qua đó phân loại chính xác, đề ra biện pháp xử lý thích hợp hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh việc củng cố, kiện toàn Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, lựa chọn những tổ hoạt động khá để nhân rộng điển hình tiên tiến. Tham mưu cho Ban giảm nghèo phân công Trưởng ban nhân dân ấp, khóm dự họp bình xét cho vay tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, tham gia đôn đốc thu hồi nợ...

Đến nay, tín dụng chính sách tại Trà Vinh đã tăng vượt bậc về quy mô cũng như chất lượng. Tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng chính sách ở Trà Vinh đạt 1.955 tỷ đồng, tăng 47,99% so với cuối năm với 127.808 người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Lũy kế doanh số thu nợ được 1.742 tỷ đồng, bằng 62,20% doanh số cho vay, với tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,47% tổng dư nợ, giảm 3,4% so với thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án. Nổi bật hơn là đến ngày này, từ các xã bãi ngang ven biển thuộc vùng 3 - vùng khó khăn, đến các xóm, ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer nghèo sinh sống đã chấm dứt tình trạng nợ bị chiếm dụng.

Chia sẻ thêm về hiệu quả từ Đề án, ông Kim Xiêng - Chủ tịch UBND xã Tập Sơn, huyện Trà Cú cho biết, từ năm 2012 - khi Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng của NHCSXH triển khai, người dân ở Tập Sơn bắt đầu tiếp cận nguồn vốn và dần trở nên tin tưởng, đặc biệt coi trọng nguồn vốn này. Bởi phần lớn người dân trong xã là đồng bào dân tộc, quanh năm chỉ biết làm nông nghiệp, trình độ dân trí thấp, kinh nghiệm canh tác, kỹ thuật sản xuất không có và cũng chẳng có gì giá trị để có thể thế chấp vay ngân hàng. Nhưng với các khoản vay của NHCSXH, đồng bào không phải lo tài sản thế chấp, thủ tục vay lại đơn giản, mức vay phù hợp với điều kiện và lãi suất ưu đãi hơn so với các ngân hàng khác.

Chứng minh cho sự thay đổi ý thức của người dân vùng sông nước Trà Vinh là ấp Bến Trị, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú. Ấp có diện tích chung 335,65ha, đất sản xuất lúa 190ha, còn lại đất trồng hoa màu khác. Dân số có 371 hộ, 1.546 nhân khẩu; trong đó dân tộc Khmer có 300 hộ với 1.261 nhân khẩu, đời sống nông dân nơi đây hầu hết còn khó khăn về nhiều mặt, thiếu vốn và kiến thức để phát triển sản xuất, nhất là nông dân nghèo và các đối tượng chính sách, nhưng từ khi có NHCSXH ưu tiên đầu tư vốn ưu đãi, lại hướng dẫn cặn kẽ thủ tục trả nợ, nộp lãi, gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn nên nhiều hộ dân không chỉ thoát cảnh nghèo khó mà còn trả được nợ vay và làm giàu ngay trên đồng đất quê nhà.

Gia đình bà Kim Thị Tha (giữa) sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH từ chương trình hộ nghèo để đầu tư nuôi bò sinh sản (Ảnh: T.A)

Bà Kim Thị Tha ở ấp Bến Trị hồ hởi cho chúng tôi biết: “Được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, tạo điều kiện giúp gia đình tôi được vay 10 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo của NHCSXH với lãi suất ưu đãi để đầu tư nuôi bò sinh sản. Vợ chồng tôi được các cán bộ của xã thường xuyên động viên, chỉ bảo cách chăm, nuôi bò và dần dần thoát khỏi danh sách hộ nghèo lâu năm của xã. 6 đứa con đều được học hành đến nơi đến chốn nhờ vào nguồn vốn vay HSSV. Giờ tôi mãn nguyện lắm rồi, cuộc sống như một giấc mơ và trong giấc mơ của tôi luôn có người bạn thân không ai khác - đó là NHCSXH”.

Cùng ấp với bà Tha còn có gia đình bà Hồ Thị Bình, người dân tộc Khmer, cũng từ hai bàn tay trắng vươn lên thoát nghèo nhờ 18 triệu đồng “vốn mồi” của NHCSXH. Năm 2012, sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, gia đình bà Bình đầu tư nuôi cá và trồng rau sạch. Nhờ sự cần cù lao động, đến năm 2015, bà đã hoàn trả được nợ gốc cho NHCSXH và còn được xét hỗ trợ vay tiếp 48 triệu đồng dành cho hộ mới thoát nghèo để mở rộng mô hình trồng rau sạch.

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Trà Cú Cao Thị Kim Hiền, từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ nghèo đã thoát hẳn nghèo; nhiều con em của đồng bào được theo đuổi ước mơ tại các trường nghề, cao đẳng và đại học. Nguồn vốn đã thâm nhập và đồng hành với người nghèo trong mọi hoàn cảnh, tạo cho bà con ý chí và động lực thay đổi cuộc sống, vươn lên làm giàu.

 


Thanh An (KCNB)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực