Vốn WB dành cho các nước đang phát triển đạt gần 64 tỉ USD trong năm tài chính 2018

Thứ bảy, 21/07/2018 19:51
(ĐCSVN) - Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ngày 20/7 cho biết, mức cam kết vốn của WB dành cho các nước đang phát triển trong năm tài chính 2018 (tính từ 1/7/2017 kết thúc vào ngày 30/6/2018) đạt gần 64 tỉ USD, trong đó nhu cầu vốn cho phát triển con người, ứng phó biến đổi khí hậu và hỗ trợ từ nguồn IDA tăng kỉ lục.
Hệ thống thuỷ lợi hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) - một dự án do WB tài trợ. (Ảnh: Đ.H)

Theo ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, nhu cầu về vốn, kiến thức chuyên môn và tính sáng tạo của Ngân hàng Thế giới ngày càng tăng. Trong năm tài chính vừa qua các cổ đông đã bổ sung thêm một khoản vốn lịch sử là 13 tỉ USD giúp Ngân hàng Thế giới tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giải quyết những thách thức nghiêm trọng nhất trong thời đại ngày nay, và giúp các quốc gia khách hàng và người dân tại các nước đó thực hiện những ước vọng cao quí nhất của họ. Thực tế tăng vốn là minh chứng cho sự tin tưởng mạnh mẽ của các nước cổ đông vào đội ngũ cán bộ, nhân viên Ngân hàng Thế giới, những người đã và đang làm việc không mệt mỏi nhằm xóa bỏ nghèo cùng cực và thúc đẩy chia sẻ thịnh vượng trên toàn thế giới.

Cho vay trong lĩnh vực phát triển con người (gồm cho vay giáo dục, y tế, dinh dưỡng và dân số, an sinh xã hội, và tạo việc làm) đã đạt mức tăng kỉ lục 74% và tỉ trọng của nó trong tổng cam kết của Ngân hàng Thế giới trong năm qua đã tăng vọt từ 16% năm 2017 lên 25,2% năm 2018. Sự thay đổi cơ cấu cấp vốn này thể hiện mức tăng vọt nhu cầu đầu tư vào nguồn vốn con người của các nước và cũng thể hiện ưu tiên phát triển trong Dự án Phát triển Con người nhằm đẩy nhanh và tăng cường đầu tư vào con người đã công bố tại cuộc họp thường niên 2017 của Nhóm Ngân hàng Thế giới.

Trong năm tài chính 2018 Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng cam kết 32,1% vốn cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu. Con số cam kết này đã vượt mục tiêu đề ra năm 2015 là dành 28% vốn cho ứng phó biến đổi khí hậu cho đến năm 2020. Với con số kỉ lục 20,5 tỉ USD dành cho ứng phó biến đổi khí hậu, Nhóm Ngân hàng Thế giới tiếp tục đi tiên phong trong nỗ lực giúp các nước đang phát triển giảm bớt phát thải khí nhà kính, tăng cường năng lực ứng phó trước các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Cho vay phát triển nông nghiệp trong năm tài chính 2018 của Ngân hàng Thế giới (vốn IBRD và IDA) tăng kỉ lục 46% và cũng sẽ góp phần giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu thông qua tận dụng tiềm năng của ngành nông nghiệp trong các giải pháp biến đổi khí hậu. Tổng mức cho vay của Ban thực phẩm & Nông nghiệp Toàn cầu (cam kết vốn IBRD/IDA mới) cũng tăng mạnh từ 2,5 tỉ USD năm tài chính 2017 lên 4,65 tỉ USD năm tài chính 2018.

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), với nhiệm vụ cung cấp vốn, các giải pháp quản lý rủi ro và các dịch vụ tài chính khác, đã tăng mức hỗ trợ từ 22,6 tỉ USD năm 2017 lên 23 tỉ USD năm 2018. IBRD đã huy động nguồn vốn phát triển này nhờ các công cụ thị trường vốn đầy sáng tạo; trong năm 2018 IBRD đã phát hành 36 tỉ USD trái phiếu tại 27 nước nhằm tài trợ cho các hoạt động phát triển bền vững tại các nước thu nhập trung bình. Ngoài ra, động tác phát hành trái phiếu của IBRD cũng góp phần nâng cao nhận thức của nhà đầu tư về vai trò của khu vực tư nhân trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), trong đó có các đợt phát hành trái phiếu dành riêng cho các mục tiêu SDG như các mục tiêu tăng cường sức khỏe và hạnh phúc, bình đẳng giới, tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, và hành động khí hậu.

Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), cơ quan cho vay với lãi suất bằng 0 hoặc lãi suất thấp và cấp các khoản viện trợ không hoàn lại cho 75 nước nghèo nhất thế giới cũng cam kết mức kỉ lục là 24 tỉ USD trong năm đầu tiên của IDA18. Mức tăng này thể hiện nhu cầu về vốn tăng (tăng 27% so với năm đầu của IDA17). Năm tài chính 2018 cũng đánh dấu bước đi lịch sử của IDA về sáng tạo chính sách và các giải pháp cấp vốn, trong đó phải kể đến các giải pháp quản lý rủi ro về tình trạng dễ đổ vỡ, huy động vốn đầu tư tư nhân, và nâng cao năng lực tài trợ ứng phó biến đổi khí hậu.

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), tổ chức phát triển lớn nhất toàn cầu chuyên về phát triển kinh tế tư nhân, sử dụng nguồn vốn, kiến thức chuyên môn, và ảnh hưởng của mình nhằm phát triển thị trường và tạo cơ hội tại những nơi cấp thiết nhất. Theo số liệu sơ bộ chưa kiểm toán ngày 30/6, tổng cam kết đầu tư dài hạn của IFC đạt trên 23 tỉ USD, trong đó bao gồm cả vốn huy động từ các nhà đầu tư khác.Trong năm tài chính 2018 IFC đã cho vay 11,6 tỉ USD từ nguồn vốn của mình và 11,6 tỉ USD từ vốn huy động. Với số vốn đó IFC đã hỗ trợ 366 dự án cấp vốn tại các nước đang phát triển và đây thường là các dự án cấp vốn dài hạn và phức tạp.

Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA), với nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các nước đang phát triển thông qua cung cấp các giải pháp bảo hiểm rủi ro chính trị và tăng cường món vay, đã cấp các khoản bảo lãnh mới với tổng trị giá 5,3 tỉ USD. Các khoản bảo lãnh này đã góp phần giúp 8 triệu người được tiếp cận với lưới điện, cung cấp và nâng cao dịch vụ viễn thông cho 1,4 triệu người, tạo nguồn thu phí và thuế 1,4 tỉ USD cho các chính phủ, và giảm phát thải khoảng 3 triệu tấn CO2. Trong năm tài chính 2018, các khoản bảo lãnh của MIGA đã hỗ trợ cấp vốn cho các dự án với tổng trị giá 17,9 tỉ USD tại các nước đang phát triển; tổng danh mục của MIGA đã tăng gấp đôi kể từ năm tài chính 2013 và đạt 21,2 tỉ USD, gồm 161 dự án tại 67 nước. Các khoản bảo lãnh mới trong năm tài chính 2018 cũng cao gấp đôi so với năm tài chính 2013./.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực