Viettel góp phần thúc đẩy Cách mạng 4.0 ở Đông Dương

Thứ bảy, 31/03/2018 21:23
(ĐCSVN) - Với mạng 4G được phủ khắp, cáp quang hóa đến tận xã kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Viettel (Viettel) đang muốn thúc đẩy cách mạng 4.0 để phát triển kinh tế xã hội tại 3 nước Đông Dương.
Trụ sở Unitel tại CHDCND Lào 

Phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong 1/4 thế kỷ vừa qua, hợp tác GMS đã không ngừng mở rộng về quy mô, đi sâu về nội dung. Hàng trăm dự án với tổng vốn trên 21 tỷ USD đã được triển khai trong nhiều lĩnh vực từ giao thông, năng lượng, viễn thông đến thương mại, nông nghiệp và môi trường. 

GMS nhất trí cao trong thúc đẩy cách mạng 4.0

Nhấn mạnh một số nội dung hợp tác lớn cần chú trọng, Thủ tướng nêu rõ phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt trong khu vực GMS và giữa GMS với các khu vực bên ngoài, bao gồm 3 nội dung chính là: Xây dựng cơ sở hạ tầng "chất lượng, xanh và thông minh”. Đặc biệt là chú trọng kết nối thông tin – viễn thông và năng lượng để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và quản lý sản xuất kinh doanh. Thủ tướng dẫn thông tin từ Ủy ban kinh tế xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP), khi đạt 10% tăng trưởng về thông tin viễn thông sẽ tăng thêm khoảng 1,34% giá trị GDP bình quân đầu người. Đặc biệt, theo Thủ tướng, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh lan tỏa của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong khi lực lượng lao động giản đơn, năng suất thấp vẫn chiếm tỷ lệ cao trong khu vực.

Chiều 31/3, sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng cho rằng Hội nghị GMS đã thành công tốt đẹp. Đáng chú ý, Hội nghị cũng khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn dài hạn sau năm 2022. Đó cũng sẽ là một tầm nhìn đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa, cân bằng ở khu vực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bao trùm, đảm bảo mọi người dân đều hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Trước sự quan tâm của phóng viên mong muốn Thủ tướng chia sẻ thêm về tầm nhìn của một khu vực GMS hội nhập, bền vững, thịnh vượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết GMS tăng cường kết nối, hội nhập cả phần cứng và phần mềm, đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông thông suốt và đặc biệt là ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Viettel dùng hạ tầng băng rộng thúc đẩy cách mạng 4.0

Với mạng 4G được phủ khắp, cáp quang hóa đến tận xã kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Viettel (Viettel) đang muốn thúc đẩy cách mạng 4.0 để phát triển kinh tế xã hội tại 3 nước Đông Dương. Viettel tuyên bố xây dựng mạng 4G rộng khắp ngay từ khi chính thức cung cấp dịch vụ. Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel tự tin cho biết trên thế giới rất hiếm có nhà mạng nào đầu tư một mạng 4G phủ rộng và sâu như Viettel đang làm ngay từ đầu với 36.000 trạm thu phát sóng, phủ 95% dân số. Với 4G, Viettel quyết tâm chinh phục khát vọng lớn lao xác lập thứ hạng về viễn thông của Việt Nam trên bản đồ viễn thông thế giới cũng như đưa hạ tầng viễn thông đi trước, chuẩn bị cho sự phát triển của đất nước và đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng viễn thông – băng rộng" ông Tào Đức Thắng nói.

Thương hiệu Metfone tại Vương quốc Campuchia 

Phía Viettel cho biết trong tổng số thị trường Viettel triển khai 4G lên 7 nước gồm: Lào, Campuchia, Haiti, Burundi, Peru, Đông Timor và Việt Nam. Lào và Campuchia là hai quốc gia Viettel đã triển khai 4G trước cả Việt Nam. Tại Lào, Viettel đã chính thức cung cấp dịch vụ vào tháng 6/2015 và tại Campuchia là tháng 5/2016. Dịch vụ 4G chính là nền tảng để Viettel triển khai hàng loạt dự án 4.0 trên nhiều lĩnh vực Chính phủ điện tử, Thanh toán điện tử, Giáo dục, nông nghiệp, giao thông, an ninh… nhằm phổ cập dịch vụ viễn thông; xây dựng hạ tầng viễn thông bền vững; tạo ra nền tảng để đưa viễn thông - CNTT vào mọi lĩnh vực cuộc sống … Từ đó đóng góp cụ thể cho việc tăng cường kết nối để phát triển cho 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam.

Sau hơn 1 năm kể từ ngày Thủ tướng Campuchia Hunsen đã đưa ra đề xuất (cuối tháng 1/2018), Viettel đã hoàn thành kết nối cầu truyền hình Văn phòng Thủ tướng 3 nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng 3 nước được kết nối thông qua hệ thống Hội nghị truyền hình của Viettel. Hệ thống được xây dựng góp phần rút gắn khoảng cách giữa 3 nước, tăng cường mức độ giao tiếp, hỗ trợ ngoại giao, góp phần xây dựng an ninh quốc phòng, chủ quyền liên quốc gia. 

Thương hiệu Unitel tại CHDCND Lào 

Cùng với kết nối Chính phủ 3 nước, Viettel đã trực tiếp tạo ra và thúc đẩy vào tiến trình thực hiện cuộc Cách mạng 4.0 tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Với hàng loạt các dự án tại Việt Nam với tầm nhìn của Viettel hướng tới là mỗi người dân sẽ có một ID công dân duy nhất, mỗi công dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân và một học bạ điện tử. Viettel còm hướng đến mục tiêu mỗi gia đình trở thành một Home BTS (có 1 Home Gateway kết nối với xã hội). Cụ thể, Viettel đang thực hiện nhiều các dự án phần mềm cho Chính phủ điện tử, như dự án cơ sở dữ liệu dân cư dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước. Viettel cũng đồng hành cùng ngành y tế xây dựng hồ sơ sức khoẻ người dân, cổng tiêm chủng dành cho trẻ em. Xây dựng phần mềm cho chương trình của kỳ thi quốc gia, chương trình internet trường học với 40.000 điểm trường và cơ sở giáo dục được tập đoàn cung cấp hạ tầng Internet miễn phí. Viettel hiện đang xây dựng thành phố thông minh, dự án quản lý xã hội bằng CNTT tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Còn tại Lào, kể từ năm 2017, mạng di động Unitel do Viettel đầu tư đã bắt tay cùng các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tại nước này triển khai 6 dự án xã hội thông minh. Đại diện Unitel thông báo thời gian tới, Unitel cam kết tiếp tục nâng cao sản phẩm dịch vụ nhằm giữ vững vị trí dẫn đầu, đồng thời tiên phong triển khai các giải pháp tài chính – ngân hàng 4.0, thương mại điện tử, các kho nội dung số về y tế, giáo dục, giải trí để góp phần xây dựng xã hội 4.0, thúc đẩy sự phát triển đất nước. 

Từ tháng 7/2017, Metfone (nhà mạng được Viettel đầu tư tại Campuchia) và Viện Quốc gia về Bưu chính, Viễn thông và CNTT thuộc Bộ Bưu chính viễn thông Campuchia đã ký kết thoả thuận hợp tác xây dựng và phát triển dự án chính phủ điện tử cho đất nước này. Trước đó, Metfone đã chủ động làm việc cùng Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia về việc xây dựng và triển khai dự án Chính phủ điện tử. Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia thông tin Metfone là nhà mạng duy nhất được chính phủ nước này lựa chọn vì có đủ khả năng thực hiện dự án này trên quy mô toàn quốc. 

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng Viettel đã có đóng góp rất lớn vào hạ tầng viễn thông – CNTT của 3 nước là Việt Nam – Lào và Campuchia, trong đó có việc thực hiện chính sách bỏ roaming cả 3 nước này, hạ tầng viễn thông đến vùng sâu, vùng xa, chính phủ điện tử... "Viettel đã thiết lập hội nghị truyền hình trực tuyến giữa thủ tưởng của 3 nước, đáp ứng nhu cầu điều hành của thủ tướng của 3 nước để thời có những trao đổi, xử lý thông tin thường xuyên"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. 
Tin, ảnh: Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực