Việt Nam trước tác động của suy giảm vốn ODA

Thứ tư, 20/02/2019 20:27
(ĐCSVN) - Từ năm 2010, Việt Nam chính thức vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế, song đặt ra thách thức khi vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không còn dồi dào.

Dự án đường sắt trên cao tại TP HCM sử dụng vốn ODA của Nhật -.Ảnh: Diễn đàn DN

Với ưu điểm là lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại, thời gian cho vay, ân hạn dài, phần viện trợ không hoàn lại chiếm tỷ lệ hấp dẫn, Việt Nam đánh giá ODA là nguồn vốn quan trọng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp thu thành tựu khoa học, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực. Do đó, việc cắt giảm ODA sẽ tạo nên áp lực không nhỏ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngân sách nhà nước, nhưng cũng là động lực thúc đẩy phát triển.

 

Tại các quốc gia kém và đang phát triển, nguồn vốn ODA tiếp nhận chủ yếu được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình trọng yếu, tuyến đường giao thông huyết mạch, công trình năng lượng và công nghiệp, bệnh viện, trường học,… Tình trạng các nhà tài trợ đã, đang giảm dần và sẽ cắt hẳn viện trợ sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thi công của các công trình đang xây dựng, hoặc làm hạn chế nguồn vốn đầu tư phát triển của quốc gia tiếp nhận. Tốc độ phát triển và khả năng cạnh tranh do đó sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt trong trường hợp của Việt Nam, dù đã thoát nghèo, nhưng quá trình phát triển chưa thực sự ổn định và vững chắc, đời sống người dân được cải thiện chưa nhiều, cơ sở hạ tầng hạn chế, do đó, ODA có vai trò to lớn trong cung ứng nguồn lực tài chính đáng kể cho nền kinh tế. Ước tính, nguồn vốn dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm tới 40% tổng vốn ODA. Xoay xở thế nào để tiếp tục đầu tư phát triển bền vững khi nguồn viện trợ này bị cắt giảm sẽ là một thách thức không nhỏ cho các nhà quản lý Việt Nam.

 

Với thực tế các nguồn viện trợ đang dần trở nên kém ưu đãi, lãi suất tăng lên, kỳ hạn vay giảm xuống, các điều kiện ràng buộc ngày càng nhiều, Việt Nam hiện đang và sẽ phải đối mặt với áp lực tăng cao của trả nợ (1). Tăng thuế hoặc các loại phí nhằm tăng nguồn thu hay vay mới trả nợ cũ không phải là biện pháp lâu dài, nhất là khi thị trường tài chính Việt Nam tương đối non trẻ, chưa phát triển toàn diện. Việt Nam có lượng dự trữ ngoại hối khiêm tốn, cắt giảm ODA sẽ phần nào gây nên khó khăn cho khả năng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế.

 

Thông thường, "tốt nghiệp" ODA cho thấy nền kinh tế đã có bước phát triển nhất định, nhưng khả năng gia tăng bất bình đẳng trong xã hội có thể là thách thức cần được xác định. Không còn được tiếp cận với vốn ODA sẽ phần nào gây khó khăn cho quá trình giảm nghèo và bất bình đẳng. Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan và Philippines vẫn còn nóng hổi, khi cả hai quốc gia này đã và đang phải đối phó với tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng trở nên rõ nét sau hơn 20 năm "tốt nghiệp" ODA.

 

Tăng sự quan tâm và khích lệ phát triển đối với doanh nghiệp nội địa là thuận lợi được liệt kê đầu tiên. Trước hết, nguồn vốn viện trợ ưu đãi, giá rẻ luôn đi kèm những điều kiện, đòi hỏi nhằm bảo đảm lợi ích của đối tác từ quốc gia tài trợ, qua đó làm giảm cơ hội, lợi ích của các công ty thuộc quốc gia tiếp nhận ODA. Quốc gia vay có thể phải dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan đối với những mặt hàng của quốc gia cho vay, hoặc phải mua thiết bị, thuê dịch vụ, nhân sự. Chẳng hạn với các khoản vay từ Hàn Quốc, một trong các yêu cầu bắt buộc là nhà thầu phải là công ty Hàn Quốc hoặc liên danh mà công ty Hàn Quốc nắm giữ nhiều hơn 50% cổ phần. Nguồn ODA giảm dần nghĩa là những điều kiện này cũng sẽ bị tháo bỏ, cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước cũng nhờ vậy mà tăng lên.

 

Thứ hai, trước những khoản vay đắt đỏ hơn, Việt Nam buộc phải tính toán để sử dụng nguồn vay một cách hiệu quả nhất. Trên thực tế, tính hiệu quả của các dự án đầu tư bằng vốn ODA vẫn luôn là một vấn đề nóng, khi mà với tâm lý được cho không ở mức độ nhất định, nhiều đơn vị thực hiện dự án chưa có những tính toán chặt chẽ, góp phần gây ra thất thoát, lãng phí. Mỗi địa phương sẽ phải tính toán liệu nguồn vốn này có thể mang lại hiệu quả từ việc thu phí, thuế để trả nợ hay không, nếu dự án không hiệu quả, không thể trả nợ sẽ vay ít hơn. Nâng cao trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận nguồn vốn phần nào sẽ giảm bớt  tình trạng sử dụng vốn hiệu quả thấp.

 

Về dài hạn, cắt giảm nguồn vốn ODA sẽ tăng cường tính độc lập, tính tự lập trong hoạt động huy động vốn và kinh doanh. Khi những nguồn vốn giá rẻ trở nên khan hiếm, đối tác sử dụng vốn sẽ trở nên khắt khe hơn, quan tâm nhiều hơn tới đảm bảo tính hiệu quả. Thất thoát, lãng phí sẽ được giám sát nhiều hơn và giảm bớt.

 

Việt Nam cần làm gì?

 

Những khó khăn mà tình trạng nguồn vốn viện trợ sụt giảm gây nên hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu Việt Nam chuẩn bị tốt cho quá trình tiến tới kết thúc ODA. Hiện tại, khoản vay dài nhất của Việt Nam có thời hạn đến năm 2055, bình quân thời gian các khoản nợ vay là 12,5 năm(3). Khi nguồn vốn ODA chấm dứt, Việt Nam sẽ buộc phải tăng vay trong nước và vay thương mại. Gánh nặng nợ công sẽ có xu hướng cao hơn, do nguồn vốn này chịu mức lãi suất cao hơn. Thắt lưng buộc bụng, siết chặt ngân sách chi tiêu dành cho bộ máy quản lý là lựa chọn được lưu ý trong tình huống này.

 

Quan tâm nhiều hơn tới khối Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong thực hiện các dự án ODA cần được lưu ý. DNTN có thể tạo nên động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế nếu được sự quan tâm đúng mực. Khi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, tính công khai, minh bạch, cạnh tranh sẽ cao hơn, tạo ra môi trường bình đẳng hơn.

 

Tăng cường hình thức hợp tác công tư (PPP) là phương án cần chú trọng để thu hút nguồn lực đầu tư, đồng thời tận dụng được ưu thế sẵn có của khối tư nhân. Trong nội dung này, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế quản lý, cơ chế trả nợ cần được quan tâm nhiều hơn.

 

Các đơn vị thực hiện dự án ODA, đối tác có liên quan và công chúng cần có được nhận thức chung về sự cần thiết của đòi hỏi không phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài, có mong muốn “tốt nghiệp ODA” càng sớm càng tốt. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy Chính phủ và người dân Hàn Quốc đã rất nỗ lực tham gia phát triển kinh tế, mang đến một thành tựu thần kì khi quốc gia này chính thức ngừng nhận viện trợ sau 30 năm, từ năm 1993,  chuyển từ vai trò quốc gia tiếp nhận sang  tài trợ(4). Khi có ý thức tốt nghiệp ODA,động lực nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn hậu ODA sẽ được khả thi.

 

Ths. Phạm Mai Ngân, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc

TS. Nguyễn Thị Kim Oanh, Nghiên cứu viên tại QUT, Australia

 

Tài liệu tham khảo:

1. An Nhiên (2016), “Mỗi năm NSNN phải bố trí khoảng 1 tỷ USD để trả nợ nước ngoài”, http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/101-6980-moi-nam-nsnn-phai-bo-tri-khoang-1-ty-usd-de-tra-no-nuoc-ngoai.html

2.  Bộ Tài Chính, Báo cáo Tổng kết công tác Tài chính - Ngân sách Nhà nước năm 2017

3.Khánh Huyền (2016), “Nhu cầu vốn ưu đãi giai đoạn 2016-2020 khoảng 39.5 tỷ USD” http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2016-02-19/nhu-cau-von-uu-dai-giai-doan-2016-2020-khoang-395-ty-usd-28807.aspx

4.Trần Văn Thọ (2017), “Tiến tới tốt nghiệp ODA toàn phần”, Tạp chí Tia Sáng, http://tiasang.com.vn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực