Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong phát triển du lịch

Thứ năm, 06/12/2018 19:04
(ĐCSVN) - Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch nhấn mạnh hai vấn đề: phát triển du lịch cần ưu tiên chất lượng, làm sao để khách du lịch muốn chi nhiều hơn cho những trải nghiệm; phải dùng công nghệ thông tin triệt để.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn.

Ngày 6/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì phiên toàn thể của Diễn đàn Cấp cao Du lịch với quy mô 1.000 khách. Phiên toàn thể bao gồm bốn phần: báo cáo tóm tắt phiên thứ nhất (ngày 5/12), đóng góp tham luận, ký kết hợp tác và thảo luận chung.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành du lịch không chỉ phát triển cùng kinh tế đất nước mà sẽ đảm nhận vai trò tiên phong, "kéo" nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ, nếu du lịch nông nghiệp làm tốt sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, sẽ tạo ra sản phẩm an toàn hơn, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hỗ trợ xuất khẩu tốt hơn. Việc đẩy mạnh homestay, du lịch cộng đồng không chỉ giúp người nghèo miền núi tăng thu nhập, mà quan trọng là mang thế giới đến ngay tận gia đình người nông dân, nhất là có tác động đến các em nhỏ. Du lịch sẽ thay đổi tương lai của những gia đình này.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, khi một ngành phát triển nhanh sẽ đạt đến ngưỡng nhất định, những vấn đề, thách thức sẽ  không thể giải quyết ngay trước mắt trong một đến hai năm. Ví dụ như đối với du lịch là vấn đề liên quan đến hạ tầng hàng không. Làm thế nào duy trì tăng trưởng và giải quyết thách thức là yêu cầu lớn với ngành du lịch.

Tại phiên toàn thể đã diễn ra nhiều lễ ký kết đầu tư giá trị lớn.

Truyền thông cũng là bài toán được đặt ra với du lịch Việt. "Làm sao để thế giới biết về Việt Nam không chỉ ở những vẻ đẹp tiềm ẩn, chưa khai phá mà còn phát huy những vẻ đẹp truyền thống, đã hiện hữu?", Phó Thủ tướng đặt câu hỏi. Các nước có thể chi hàng chục triệu, hàng trăm triệu USD để quảng bá, nhưng Việt Nam chỉ có "một số ít triệu USD", làm thế nào để sử dụng số tiền này hiệu quả? Theo Phó Thủ tướng, công nghệ sẽ là lời giải cho bài toán này. Ngành du lịch Việt Nam có thể quảng bá tốt hơn với các công nghệ mới. Việt Nam cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển ngành du lịch.

"Câu hỏi đặt ra hiện nay là với số vốn ít ỏi, chúng ta phải làm sao để có thể quảng bá và phát triển du lịch Việt Nam", Phó Thủ tướng nói. Ông cũng nhắn nhủ hai việc, một là phát triển du lịch cần ưu tiên chất lượng, làm sao để khách du lịch muốn chi nhiều hơn cho những trải nghiệm; hai là phải dùng công nghệ thông tin triệt để.

Ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân
phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cũng khẳng định, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các bộ, ngành đều thống nhất quan điểm và cùng chia sẻ khát vọng phát triển du lịch của Việt Nam. 

"Lần đầu tiên chúng ta tổ chức diễn đàn với sự góp mặt các bên liên quan. Tôi hy vọng chúng ta sẽ gỡ được nhiều hơn nữa những ách tắc của du lịch để phát triển thời gian tới", ông Trương Gia Bình kỳ vọng.

Tại phiên toàn thể cũng diễn ra nhiều lễ ký kết đầu tư giá trị lớn như: Lễ ký kết giữa công ty TNHH Phát triển Nam Hội An và Tập đoàn Khách sạn Rosewood; Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu và Hãng hàng không AirAsia; Wendy Wu Tours và Victoria Cruise; Tập đoàn Novaland và Minor...

Ngoài ra, phần thảo luận có sự tham gia của gần 20 diễn giả là lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, các chuyên gia du lịch, nhà đầu tư trong nước và quốc tế... Nội dung thảo luận nhằm tìm các giải pháp trọng tâm phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững tới năm 2030.

Trước đó, phiên thứ nhất của Diễn đàn diễn ra chiều 5/12 có quy mô 500 khách với chủ đề "Sự cần thiết cơ cấu lại ngành và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng, bền vững". Nhiều điểm nghẽn của du lịch Việt Nam đã được chỉ ra như hạ tầng, giao thông, visa, nhân lực... Để cải thiện các vấn đề này, các diễn giả cho rằng Việt Nam cần "mở cửa bầu trời", nới lỏng hơn nữa chính sách visa, thu hút đầu tư nước ngoài, ứng dụng công nghệ vào du lịch.../.

Tin, ảnh: Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực