TP Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Thứ năm, 12/09/2019 18:35
(ĐCSVN) – Để các mặt hàng nông sản có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường, ngành nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh phải thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đồng thời tăng cường liên kết để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng.
Ngày 12/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp nông nghiệp năm 2019 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ cao”.


Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, hiện nay, nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức từ quá trình hội nhập. Trong bối cảnh đó, để các mặt hàng nông sản có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường, đòi hỏi ngành nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh phải thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đồng thời tăng cường liên kết để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khu vực 1, để vượt qua những thách thức và tận dụng được cơ hội mở rộng thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có thế mạnh như rau quả, thủy sản, sản phẩm gỗ và đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, từng bước thiết lập chuỗi phân phối ra nước ngoài. Đối với sản xuất, phải tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của trang trại bằng cách ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và kiểm soát chặt chẽ quy trình quản lý chất lượng.

Ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay số lượng doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố rất ít ỏi, chưa đến 10 doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chia sẻ, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến là thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và mua sắm thiết bị, công nghệ phục vụ việc phát triển sản phẩm cho thị trường xuất khẩu.

Theo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố từ đầu năm 2019 tới nay ước đạt 15.236,6 tỉ đồng, tăng 6,1% so cùng kỳ (các nhóm sản phẩm chủ lực chiếm tỉ trọng khoảng 60%/tổng giá trị sản xuất). Trong đó, trồng trọt ước đạt 3.728,1 tỉ đồng (tăng 5,9% so cùng kỳ), chăn nuôi ước đạt 5.415,4 tỉ đồng (tăng 3,8% so cùng kỳ) và thủy sản ước đạt 4.551 tỉ đồng (tăng 8% so cùng kỳ).

Các gian hàng trưng bày nông sản và các mặt hàng chế biến từ nông sản

Về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, từ đầu năm 2019 tới nay, các quận huyện đã phê duyệt 208 quyết định, với 465 lượt vay, tổng vốn đầu tư 702,549 tỉ đồng, tổng vốn vay 360,850 tỉ đồng. Lũy kế từ năm 2011 đến nay, các quận huyện đã phê duyệt 8.258 quyết định, 24.281 lượt vay, tổng vốn đầu tư 13.214,081 tỉ đồng, tổng vốn vay 8.021,598 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết những năm qua, Sở luôn khuyến khích kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đặc biệt là coi trọng và ưu tiên chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Do đó, nhiều giống cây, vật nuôi, thủy sản có chất lượng cao, nhiều quy trình công nghệ sản xuất thâm canh tiên tiến được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn góp phần tăng năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi và nâng cao giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó nhiều cơ sở công nghệ cao được xây dựng để thực hiện định hướng và đầu tư hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tại hội nghị lần này, đại diện phòng Khoa học Công nghệ, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh đã hướng dẫn các văn bản thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp và tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo Chi cục Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, khi được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ vay vốn, tiếp cận quỹ đất, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực...Vì vậy, TP Hồ Chí Minh kỳ vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi và chế biến để cải thiện được năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị xuất khẩu.

VL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực