Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Thứ sáu, 23/06/2017 21:49
(ĐCSVN) – Ngày 23/6, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm”.

 

Ảnh minh họa: K.D

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam đã mang lại một số kết quả đáng ghi nhận; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy vậy, nền kinh tế cũng bộc lộ những yếu kém nội tại, như tăng trưởng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp...

Ông Cung nhấn mạnh, nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường sẽ phải tuân thủ những đòi hỏi tất yếu, khách quan; trong đó Nhà nước, cơ quan quản lý phải làm tốt vai trò là kiến tạo. Cụ thể, cần xác lập, từng bước hoàn thiện tạo ra một thị trường đầy đủ, minh bạch để có sự cạnh tranh, kéo theo tăng trưởng kinh tế.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng cần Chính phủ tập trung đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, qua đó thu hồi, phát huy nguồn vốn cũng như phát huy sức sáng tạo, năng động của doanh nghiệp khi tham gia thị trường cạnh tranh.

Đặc biệt, muốn làm tốt chức năng của mình thì Nhà nước phải thông qua việc tạo cơ chế huy động và phân bố nguồn lực một cách hợp lý, công bằng. Bên cạnh đó, cần kiên quyết xóa bỏ tư duy, cách hành xử “xin-cho” trong thực hiện chức năng nhiệm vụ. Làm sao để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng, từ đó tạo niềm tin để tận dụng mọi nguồn lực; trong đó nội lực là quan trọng nhất để tăng trưởng nhanh, bền vững.

Về các ý kiến nhận định trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn cho biết, trên thực tế, thời gian qua Chính phủ đã ban hành một số văn bản, nghị quyết để cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế, Việt Nam đã tăng 9 bậc trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2017. Bên cạnh đó, việc đánh giá, rà soát hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh cũng được tiến hành thường xuyên, theo tinh thần gỡ bỏ rào cản, bổ sung các quy định cần thiết theo hướng đơn giản hóa, dễ thực hiện và nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp.

“Dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm” là một đóng góp cần thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm cả tuyên truyền hiểu biết, thực thi pháp luật về cạnh tranh trên diện rộng. Dự án cũng nghiên cứu, đánh giá tình hình cạnh tranh trong các ngành then chốt, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác phòng vệ thương mại.../.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực