Thời trang M2 - hành trình 18 năm khẳng định một thương hiệu Việt

Chủ nhật, 21/10/2018 20:36
(ĐCSVN) - Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 200 thương hiệu thời trang ngoại, chiếm hơn 60% thị trường với đủ các phân khúc từ cao cấp đến tầm trung, bình dân, 40% còn lại thuộc về các thương hiệu nội. M2 nằm trong số thị phần còn lại ít hơn ấy nhưng với hành trình 18 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, thương hiệu thời trang M2 đang dần khẳng định vị thế của mình.

Thương hiệu thời trang M2 hướng tới nhiều đối tượng khách hàng trong đó có trẻ em (Ảnh: K.D).

Xuất phát điểm là một cửa hàng nhỏ năm 2001 và đơn thuần theo xu hướng thị trường là "Cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm thời trang". sau hai tháng vận hành, ông Nguyễn Hải Đường - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam đã tìm ra một hướng đi riêng và quyết định đặt tên lại cho cửa hàng là M2. Ông mạnh dạn thay đổi từ hình ảnh cửa hàng đến chất lượng sản phẩm, tập trung vào kinh doanh mặt hàng thời trang khá đặc thù - hàng xuất khẩu dư.

Sản phẩm đa dạng phong phú từ gần 200 nhà cung cấp

Đến năm 2010, song song với các hoạt động ủy thác xuất khẩu và tổng đại lý bán buôn, M2 bắt đầu có những bước đi vượt bậc với hệ thống cửa hàng được mở rộng cả về quy mô và chất lượng. Không còn là cửa hàng diện tích nhỏ, M2 phát triển lên thành mô hình kinh doanh với siêu thị thời trang, diện tích khoảng 1.000 m2, tọa lạc tại 2B Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) với hướng kinh doanh là bán hàng hợp mốt, đa dạng chủng loại, mẫu mã và không quá tập trung vào một dòng sản phẩm nhất định.

Đến nay, Thương hiệu M2 đã khẳng định được vị trí của mình, trở thành sự lựa chọn tin cậy của khách hàng với 15 trung tâm tại Hà Nội, 1 trung tâm tại Vinh, 1 trung tâm tại Thanh Hóa và 1 trung tâm tại Moscow (Liên bang Nga). Song song với các hoạt động ủy thác xuất khẩu và Tổng đại lí bán buôn, M2 đã đi tiên phong trong việc mở ra một mô hình kinh doanh mới: siêu thị thời trang với diện tích hơn 1000m2.

Theo ông Nguyễn Hải Đường (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam), với gần 200 nhà cung cấp nội địa, hàng trăm nghìn sản phẩm các loại, M2 luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, M2 thường xuyên xem xét lại năng lực của các nhà cung cấp, chọn là bạn đồng hành với nhà cung cấp có nguồn hàng dồi dào, xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, mức giá cạnh tranh.

Nhìn lại chặng đường 18 năm phát triển M2, ông Nguyễn Hải Đường cũng chia sẻ, giá trị cốt lõi đó chính là uy tín về chất lượng, giá bán tốt, sản phẩm đa dạng, dịch vụ toàn diện và dẫn đầu xu hướng thời trang. M2 luôn bán hàng đúng giá trị, bởi chất lượng sẽ được quyết định bằng sản phẩm chứ không hẳn là giá bán, khi nhập số lượng nhiều, sản phẩm M2 đương nhiên sẽ có giá tốt hơn, đó là lý do tại sao người tiêu dùng nhận thấy hàng M2 có giá rẻ, phù hợp với mọi đối tượng.

Cửa hàng M2 mới khai trương tại Linh Đàm (Ảnh: K.D)

Nỗ lực tôn vinh hàng dệt may Việt Nam

Chia sẻ bí quyết để làm nên thương hiệu M2, ông Nguyễn Hải Đường cũng cho rằng không đơn thuần ở việc đặt một cái tên mà là cả chặng đường dài tạo lập giá trị cốt lõi với chiến lược kinh doanh rõ ràng. Ngay từ thời điểm bắt đầu, ông vạch rõ hướng kinh doanh của hệ thống M2 là bán hàng đa dạng chủng loại, mẫu mã và không quá tập trung vào một dòng sản phẩm nhất định. Có nghĩa, M2 hướng tới số đông. Sản phẩm được bán tại M2 phục vụ đối tượng cán bộ, nhân viên, công nhân, sinh viên, kể cả tầng lớp trung lưu…

Hiện nay, Ủy Ban Trung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của các nhà sản xuất, chế biến, phân phối, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Nhờ đó, tỷ lệ mua sắm, sử dụng hàng Việt của nhân dân có chiều hướng gia tăng với tỷ lệ trên 90%.

 

Để nâng cao chất lượng Cuộc vận động, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức của người người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam, làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu và coi việc dùng hàng Việt là nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước và dân tộc; chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hoá của các doanh nghiệp; kiên quyết tẩy chay hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Có như vậy, cuộc vận động mới nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Đường cho rằng, trong bối cảnh gần đây, làn sóng doanh nghiệp ngoại kinh doanh “hàng hiệu bình dân” đổ vào thị trường thời trang Việt Nam rất nhiều, với những cái tên như: H&M (Thụy Điển), Zara (Tây Ban Nha), Uniqlo (Nhật Bản)… thì các thương hiệu thời trang Việt Nam lại càng phải nỗ lực nâng cao chất lượng để người Việt Nam luôn tin yêu chọn hàng Việt chứ không đơn thuần là ủng hộ. Theo ông, chỉ khi chúng ta có đối thủ, có áp lực đè nặng, chúng ta mới biết mình là ai. Chỉ khi có cạnh tranh, doanh nghiệp mới tốt lên, đưa ra những giải pháp mới cho thị trường. đó cũng là nỗ lực để tôn vinh hàng dệt may Việt Nam./.

 

 

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực