Thái Nguyên: Tăng thu nhập từ chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế

Thứ hai, 03/12/2018 14:33
(ĐCSVN) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã và đang hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả quy mô lớn. Hướng đi này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân mà còn góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cây ăn quả Thái Nguyên…

Hướng vào khai thác những điều kiện thuận lợi để phát triển cây ăn quả như diện tích tự nhiên rộng, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp…, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã sớm phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung. Theo đó, để tạo điều kiện cho nông dân, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn mở các lớp hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung ứng giống, phân bón trả chậm thông qua Hội Nông dân, đẩy mạnh liên kết, kết nối sản xuất và tiêu thụ… Nhờ vậy, trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả với giá trị kinh tế mang lại cho người nông dân tương đối cao.

 
Người dân xã La Hiên, huyện Võ Nhai thu hoạch na (Ảnh: TH)

Là vùng chuyên canh cây na lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, hiện xã La Hiên, huyện Võ Nhai có hơn 300 ha trồng na, trong đó diện tích cho thu hoạch là khoảng 230 ha tập trung chủ yếu ở các xóm: Trúc Mai, Làng Lai, Hiên Bình, Hiên Minh, La Đồng… Theo tính toán, người trồng na ở La Hiên có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Nhờ trồng na, nhiều hộ dân trong xã có thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ thu nhập tới 400 triệu đồng/năm. Khảo sát sơ bộ, địa phương có khoảng 60 hộ có thu nhập từ cây na trên 200 triệu/năm trở lên. Vụ na năm 2018 vừa qua, toàn xã thu về trên 40 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt hơn 26 triệu đồng/người/năm. Anh Nguyễn Văn Thành ở xóm Hiên Bình, xã La Hiên chia sẻ: Gia đình tôi trồng na từ hơn 15 năm trước; lúc đầu trồng na bở sau chuyển dần sang trồng na dai. Đến nay, gia đình anh có khoảng 500 gốc na cho thu hoạch, toàn bộ là giống na dai và canh tác theo đúng quy trình VietGap. Cây na đã trở thành nguồn thu chính của gia đình anh Thành với thu nhập sau khi trừ chi phí đạt hơn 250 triệu đồng/năm.

Tìm hiểu được biết, chuyên canh cây ăn quả đang trở thành hướng sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nông dân Thái Nguyên. Ngoài vùng na ở xã La Hiên, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện đã và đang hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao. Nổi bật là cây nhãn, cây thanh long ở xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên; bưởi, chuối, ổi ở các xã Phú Thượng, Tràng Xá, Lâu Thượng, huyện Đại Từ; nhãn ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ… Tính chung trên phạm vi toàn tỉnh, đến cuối năm 2018, tổng diện tích trồng cây ăn quả các loại của Thái Nguyên đã đạt gần 17.100 ha. Trong đó, cây vải, nhãn và chuối chiếm hơn 50%, phần còn lại là các loại cây ăn quả khác như na, cam, bưởi Diễn... Theo thống kê, giá trị kinh tế từ chuyên canh cây ăn quả cao gấp 5 - 7 lần so với các loại cây trồng truyền thống. Điển hình là thu nhập từ bưởi Diễn 300 - 400 triệu đồng/ha/năm; na đạt 300 - 350 triệu đồng/ha/năm; nhãn chín muộn đạt 250 triệu đồng/ha/năm; chuối đạt 150 -180 triệu đồng/ha/năm…


Cây nhãn đã giúp nhiều hộ dân ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ tăng thêm nhu nhập (Ảnh: TH)

Điểm nhấn nổi bật trong phát triển cây ăn quả ở Thái Nguyên đó là các địa phương và người sản xuất đã chú trọng việc quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Song song với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, việc xây dựng Chỉ dẫn địa lý, đăng ký Chứng nhận bảo hộ tập thể… cho các loại cây ăn quả đã được Thái Nguyên thực hiện có hiệu quả. Đơn cử như với cây na ở xã La Hiên, theo đồng chí Vi Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND xã La Hiên, sau khi được cấp giấy Chứng nhận bảo hộ tập thể (năm 2016) thì thị trường tiêu thụ na đã nhanh chóng được mở rộng; trái na La Hiên đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn ở Hà Nội và các đô thị phía Bắc. Đến nay, Thái Nguyên đã hình thành 8 vùng chuyên canh các loại cây ăn quả với tổng diện tích trên 420ha, tập trung tại các địa phương có truyền thống trồng cây ăn quả như Võ Nhai, Phổ Yên, Đại Từ, Đồng Hỷ…

Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả nhất định đã đạt được, việc đẩy mạnh phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế ở Thái Nguyên còn đang đứng trước không ít khó khăn như việc tiếp cận, làm chủ các tiến bộ kỹ thuật trong chuyên canh cây ăn quả của người dân còn hạn chế; kỹ thuật thu hoạch, chế biến và bảo quản còn chậm đổi mới; việc mở rộng các vùng chuyên canh cây ăn quả gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư; công tác quảng bá thương hiệu trái cây chưa thực sự rộng rãi… Chính những điều này đã phần nào hạn chế hiệu quả phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn, chất lượng ở Thái Nguyên.

Để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả, nâng cao thu nhập cho người nông dân, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, khoanh vỏ, kích thích ra hoa, chống rụng quả; đẩy mạnh chuyên canh các loại cây ăn quả theo hướng an toàn VietGap gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho các loại quả đặc trưng từng vùng…

Có thể thấy, việc từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ đang dần khẳng định rõ hiệu quả trong thực tiễn tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên. Hướng đi này, không chỉ là cơ sở nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất mà còn giúp tăng thu nhập cho người nông dân, đẩy nhanh quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực