Thái Bình mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao

Thứ ba, 21/11/2017 15:33
Tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu mở rộng diện tích nuôi tôm đến năm 2020 trên 2.874 ha, sản lượng 12.188 tấn; trong đó, mục tiêu nâng diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên 620 ha. Đến năm 2025, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên 762 ha, sản lượng toàn ngành nuôi tôm gần 14.700 tấn, giá trị đạt trên 1.146 tỷ đồng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Thái Bình)

Theo đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 mới được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt, dự kiến tổng số vốn thực hiện Đề án là 709 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn trung ương hỗ trợ 271 tỷ đồng, còn lại từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác.

Tỉnh Thái Bình xác định định hướng phát triển đối với nuôi tôm nước lợ thời gian tới sẽ giảm dần diện tích nuôi tôm sú quảng canh, hiệu quả thấp chuyển sang nuôi tôm thâm canh, nuôi công nghệ cao với năng suất trên 30 tấn/ha/năm. Đồng thời, duy trì diện tích nuôi tôm sinh thái, nuôi xen ghép với các đối tượng có giá trị kinh tế khác để hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi một phần diện tích đất nuôi thủy sản nước ngọt nhiễm mặn, đất làm muối, đất trồng lúa hiệu quả thấp sang phát triển nuôi tôm.

Để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh việc rà soát, quy hoạch lại các vùng nuôi tôm hiện có, đặc biệt các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, tỉnh Thái Bình sẽ thực hiện quy hoạch mới 5 vùng nuôi tôm công nghệ cao thuộc khu vực ngoài đê Quốc gia có điều kiện môi trường thuận lợi để phát triển nuôi tôm gồm xã Thái Thượng (huyện Thái Thụy); xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú (huyện Tiền Hải) và xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương).

Đặc biệt, tỉnh Thái Bình chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng đến phát triển tôm nuôi nước lợ bền vững. Trong đó, đầu tư mới hạ tầng cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống tại xã Thái Đô (huyện Thái Thụy) với công suất 400 triệu con/năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nuôi tôm trong tỉnh. Cải tạo, nâng cấp 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng tôm giống hiện có, đáp ứng khoảng 60% con giống cho nhu cầu nuôi, cung cấp khoảng 600 triệu con tôm giống.     

Nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi tôm nước lợ, nhất là huy động các nguồn lực phát triển nuôi tôm công nghệ cao, tỉnh Thái Bình xây dựng nhiều cơ chế hỗ trợ như hỗ trợ mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, ương dưỡng giống, nuôi tôm công nghệ cao với mức tối đa 50 triệu đồng/ha; hỗ trợ lãi suất vay vốn và cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy lợi các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung.

Tỉnh Thái Bình hiện có 46 ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao và trên 2.155 ha diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, tập trung chủ yếu ở hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy và xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương)./.

Thu Hoài/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực