Tây Ninh tập trung phòng, chống dịch bệnh trên cây sắn

Thứ ba, 06/11/2018 18:09
(ĐCSVN) – Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, đến nay diện tích cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá là hơn 35.000 ha, chiếm trên 95% diện tích sản xuất, tăng gấp 6 lần so với năm 2017.
Nếu không có biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả,
nhiều diện tích sắn ở Đông Nam bộ và Nam Trung bộ sẽ phải tiêu hủy (Ảnh: K.V)

Các giống sắn nhiễm bệnh khảm lá nặng nhất là HLS11, KM419, KM140, MO101, riêng giống KM94 đã giảm tính chống chịu với bệnh khảm lá so với năm 2017. Vụ Đông xuân 2017 – 2018 ghi nhận giống KM 505 có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn so với các giống khác. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tây Ninh cũng đã phải cày hủy trên 143 ha sắn bị nhiễm bệnh. Theo các nhà chuyên môn, bệnh khảm lá sắn, chủ yếu gây hại trên giống HLS11, lây truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống nên có nguy cơ lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn tại nhiều địa phương.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết, cây sắn đóng góp 8% cho ngân sách của tỉnh này, nhiều nông dân trồng sắn coi đây là cây xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên phần lớn diện tích trồng sắn ở Tây Ninh đã khiến bà con nông dân và các ngành chức năng hết sức lo ngại. Trước thực trạng này, tỉnh Tây Ninh đã nhanh chóng triển khai công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, qua đây các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện rất chủ động, tích cực, kiểm soát nguồn bệnh trên đồng ruộng và giống nhiễm bệnh lưu thông trên thị trường.

Tỉnh Tây Ninh và các địa phương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá sắn và đoàn kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh, đồng thời ban hành các văn bản về triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Các địa phương và ngành chức năng đã mở nhiều lớp tập huấn và cấp phát các tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch bệnh khảm lá sắn. Hệ thống truyền thông của các địa phương cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn tác hại của bệnh khảm lá. Đây là một loại bệnh hiện không có thuốc điều trị và khả năng lây lan rất nhanh. Do đó, sau khi phun xịt thuốc phải tiêu huỷ cây sắn bị nhiễm bệnh theo quy định và tuyệt đối không để trễ quá 7 ngày sau khi phun, vì như vậy sẽ dẫn đến tình trạng bọ phấn trắng tái nhiễm và tiếp tục phát tán nguồn bệnh. Nếu các địa phương không quyết liệt, còn chậm trễ, khiến dịch bệnh không cắt đứt kịp thời, sẽ dẫn đến nguy cơ vùng nguyên liệu sắn của cả tỉnh Tây Ninh bị xóa sổ.

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh cũng phối hợp phòng chống dịch bệnh khảm lá sắn với các tỉnh giáp biên giới của Vương quốc Campuchia, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá sắn Tây Ninh cũng hỗ trợ các địa phương nói trên tổ chức các lớp tập huấn về cách nhận biết, phương pháp phòng trừ, cũng như hỗ trợ về thuốc phun xịt diệt bọ phấn trắng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau một năm phát hiện bệnh khảm lá trên cây sắn, đến nay đã ghi nhận bệnh xuất hiện gây hại tại các vùng trồng sắn của 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, nặng nhất ở Tây Ninh với gần 100% diện tích sắn bị nhiễm bệnh. Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống bệnh khảm lá sắn.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương có 21 ủy viên, gồm Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân của 13 tỉnh, thành phố, bao gồm: Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Long An, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Ninh Thuận và  Phú Yên; cùng với 8 đại diện từ ban ngành liên quan và các nhà khoa học đầu ngành./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực