Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô

Thứ năm, 07/12/2017 21:30
(ĐCSVN) – Năm 2017, Thành phố Hà Nội hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đây là một thành tích rất đáng tự hào, song cũng là áp lực cho năm 2018. Chính vì vậy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị, trong thời gian tới, thành phố tập trung vào 3 khâu đột phá, đặc biệt phải tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển.
Năm 2017, tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội dự kiến đều hoàn thành kế hoạch. (Ảnh:TA)

Thu hút đầu tư đạt kết quả cao

Năm 2017, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, đạt 8,5%. Thu ngân sách đạt gần 208 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2016. Thu hút đầu tư tăng cao với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt gần 3,4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư xã hội trên 308 nghìn tỷ đồng, tăng 11%. Giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu tăng cao so kế hoạch (tăng 8%). Du lịch phát triển mạnh với lượng khách quốc tế đạt 4,95 triệu người, tăng 23%.

Đáng chú ý, tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội dự kiến đều hoàn thành kế hoạch, trong đó thu ngân sách trên địa bàn vượt 1,4% dự toán; 6 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch gồm: kim ngạch xuất khẩu, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn nước đô thị, số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Một trong những điểm sáng nhất của kinh tế - xã  hội Hà Nội năm 2017 chính là môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét, thu hút đầu tư của thành phố đạt kết quả cao. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu, năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)  của thành phố tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, cao nhất từ trước tới nay. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%; doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%. Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 160 dự án vốn ngoài ngân sách trị giá 110 nghìn tỷ đồng; vốn đăng ký FDI cả cấp mới và tăng vốn ước đạt 3,356 tỷ USD; tiếp nhận 128 dự án đầu tư theo hình thức PPP; cấp đăng ký doanh nghiệp cho 25.160 doanh nghiệp, lũy kế số doanh nghiệp trên địa bàn hơn 231.000 doanh nghiệp. Thành phố đang xem xét phê duyệt Kế hoạch khuyến khích hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, cá nhân thành lập doanh nghiệp để phấn đấu đến hết năm 2020, toàn Thành phố có 400 nghìn doanh nghiệp; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 308,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11%.

Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 5, HĐND Thành phố vừa diễn ra, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội xác định, năm 2018 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội; năm đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố; năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, do đó, bên cạnh việc tập trung khắc phục các hạn chế, yếu kém đã chỉ ra, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Thành phố cần có các giải pháp thực hiện tập trung vào một số chỉ tiêu đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện và dự kiến là khó đạt theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố đề ra.

Người đứng đầu Đảng bộ Thành phố Hà Nội gợi mở, chính quyền thành phố quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tập trung vào 3 khâu đột phá: Phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đặc biệt, phải tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của thành phố, thông qua các hình thức FDI, PPP...

“Năm 2016 và 2017, Thành phố Hà Nội đã làm rất tốt việc này qua việc tổ chức các Hội nghị Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển. Trong 2 năm, Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 310 dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư khoảng 11 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD; tổng cộng đến nay đã và đang triển khai 128 dự án PPP, với số vốn đăng ký 14,26 tỷ USD. Đây là nội dung chúng ta cần làm tốt hơn nữa trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Vì vậy, các cấp, các ngành của Thành phố phải tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 – 2020” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển

Đồng tình quan điểm người đứng đầu Đảng bộ Thành phố, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho rằng, thành phố đã nhiều lần đối thoại và giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nên cộng đồng các doanh nghiệp đã có sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của thành phố với nhiều cơ chế, chính sách tốt. Do đó, trong thời gian tới, thành phố cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động; có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh khi trong tiến trình hội nhập năm 2018, thuế suất nhiều mặt hàng giảm về 0. Mặt khác, Hà Nội cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng đề xuất cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao... (Ảnh: TA)

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND Thành phố vừa qua, đại biểu Phạm Đình Đoàn, quận Hoàng Mai đề nghị, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thành phố cần tiếp tục cải thiện các chỉ số thành phần để nâng cao PCI, PAPI; cải thiện các chỉ số đất đai; rà soát cắt giảm thủ tục hành chính để tạo ra đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, mở rộng giải pháp phát triển dịch vụ công; cần có tiêu chí phục vụ nhân dân trong đánh giá cán bộ công chức.

Cho rằng mục tiêu tăng lên 400 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020 không dễ đạt, đại biểu Phạm Đình Đoàn mong muốn Thành phố cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, tăng cường hoạt động xã hội hóa, phát huy vai trò của doanh nghiệp lớn trong việc hỗ trợ, dẫn dắt doanh nghiệp khởi nghiệp. Nghiên cứu thành lập, vận hành các mô hình vườn ươm doanh nghiệp mẫu, khu tập trung dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hướng đến hình thành các khu công nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố; có chương trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp theo hình thức đối tác công tư. Để vườn ươm doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phải hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp như cấp đất, hỗ trợ hạ tầng, đồng thời thành phố tạo cơ chế giúp doanh nghiệp khởi nghiệp huy động vốn trực tiếp từ xã hội.

Một số đại biểu tham dự kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố và HĐND Thành phố Hà Nội vừa qua cũng nhấn mạnh đến việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy xuất khẩu, ưu tiên xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, tập trung phát triển các dịch vụ chủ chốt như: Thương mại, du lịch, tài chính chứng khoán... Ưu tiên đất đai, hạ tầng và cơ chế thu hút đầu tư đối với công nghệ thông tin, viễn thông và công nghiệp số để tạo ra giá trị gia tăng cao.

Bày tỏ sự ấn tượng với tăng trưởng của Hà Nội không chỉ về con số mà còn là những thay đổi trong thể chế điều hành, quản lý, đồng chí Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Hà Nội phải có chính sách để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đổi mới khu Công nghệ cao Hoà Lạc. Ngoài ra, thành phố cũng phải đi đầu trong liên kết với các tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm để xây dựng mô hình tăng trưởng đổi mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu trách nhiệm, quyết tâm cao hơn của các cấp, các ngành toàn thành phố trong việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư; trong quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường, phát triển không gian xanh, giữ gìn trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, trồng 1 triệu cây xanh....

Hà Nội đang chuẩn bị bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2018, với niềm tin, khí thế và sức bật mới. Với kinh nghiệm, kết quả đạt được của năm 2017 và những năm qua, chúng ta tin rằng, Hà Nội nhất định sẽ có thêm những bước chuyển mới, đạt được nhiều kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi của nhân dân Thủ đô./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực