Tập trung chỉ đạo công tác thời vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019

Thứ hai, 05/11/2018 22:50
(ĐCSVN) - Với vụ Đông Xuân 2018-2019, các địa phương cần tập trung công tác chỉ đạo về thời vụ, cơ cấu giống, các giải pháp kỹ thuật, tiếp tục đẩy mạnh giảm lượng giống lúa gieo sạ. Về thời vụ sản xuất, phải chỉ đạo sát sao lịch thời vụ, tranh thủ xuống giống sớm nhất có thể để né hạn mặn vào cuối vụ.

Đó là yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) nhằm triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019 tại các tỉnh, thành Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.


Ảnh minh họa. (Ảnh: ĐTC)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2018 diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, lũ về sớm ảnh hưởng đến diện tích sản xuất tại các tỉnh, thành Nam bộ. Trong đó, dịch hại phát sinh và phát triển đã ảnh hưởng tới sản xuất tại nhiều địa phương và các đối tượng cây trồng khác nhau như: rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và sâu năn trên cây lúa, bệnh vi rút khảm lá trên cây sắn, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu, sâu đục thân trên cây điều,…

Về phía Bộ NN&PTNT đã sớm chỉ đạo Cục Trồng trọt phối hợp cùng Tổng cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT các tỉnh thường xuyên khảo sát, đánh giá tình hình mưa lũ và sắp xếp bố trí lịch thời vụ xuống giống vụ Thu Đông, vụ Mùa 2018 hợp lý, sát với thực tế, giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra trong sản xuất cây trồng.

Diện tích gieo trồng lúa toàn vùng  Nam bộ năm 2018 ước đạt 4.389.768 ha, năng suất ước đạt 59,51 tạ/ha, tăng 3,38 tạ/ha; sản lượng ước đạt 26,12 triệu tấn, tăng 1,13 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017. Dự án VnSAT đã có những tác động tích cực đến sản xuất, giúp giảm giá thành và nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trồng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết, thủy văn những tháng còn lại của năm 2018 và đầu năm 2019 còn nhiều diễn biến phức tạp. Cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão và khô hạn, xâm nhập mặn do ảnh hưởng của El Nino tác động trực tiếp đến các tỉnh, thành vùng Nam bộ.

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đề nghị đối với cây lúa, các địa phương cần tiếp tục theo dõi, chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích lúa Thu Đông và lúa Mùa 2018. Do các trà lúa còn lại đang ở giai đoạn mẫn cảm với dịch hại, vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần tổ chức thăm đồng thường xuyên để phát hiện và chỉ đạo phòng trừ kịp thời.

Bên cạnh đó, với vụ Đông Xuân 2018-2019, cần tập trung công tác chỉ đạo, điều hành về thời vụ, cơ cấu giống, các giải pháp kỹ thuật áp dụng trong sản xuất và tiếp tục đẩy mạnh giảm lượng giống lúa gieo sạ. Về thời vụ sản xuất, phải chỉ đạo sát sao lịch thời vụ, tranh thủ xuống giống sớm nhất có thể để né hạn mặn vào cuối vụ.

Sử dụng những giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường, tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm. Đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng, cứng cây, ít đổ ngã, chống chịu sâu bệnh và khô hạn tốt. Với cơ cấu giống lúa nếp không nên tăng để tránh rủi ro về thị trường tiêu thụ khi cung vượt cầu; chú ý việc sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn vào cuối vụ.

Đối với cây công nghiệp dài ngày, cần chỉ đạo mạnh mẽ các biện pháp thâm canh và chuẩn bị các giải pháp phòng chống hạn trong mùa khô. Tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới tiết kiệm nước, sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với biến đổi của khí hậu. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ dịch hại, nhất là bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu, bọ xít muỗi, bệnh thán thư trên cây điều.

Đối với cây ăn quả, cần tiếp tục đầu tư thâm canh tăng năng suất và chất lượng. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật (tỉa cành, tạo tán,…) và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật rải vụ cho cây ăn quả để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Trồng trọt tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất lúa vụ Thu Đông, Mùa 2018; phối hợp cùng Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương triển khai các giải pháp để bảo vệ lúa đảm bảo năng suất và sản lượng.

Cục Bảo vệ thực vật, tăng cường dự tính, dự báo diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại, kịp thời chỉ đạo giải pháp phòng trừ, không để bùng phát trên diện rộng. Chỉ đạo hệ thống bảo vệ thực vật bám sát địa phương trong việc theo dõi hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng hợp lý và hiệu quả. Đề xuất các giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng ở Nam bộ, lưu ý bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa và bệnh vi rút khảm lá trên cây sắn đang bùng phát, lây lan./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực