Tập trung các giải pháp giúp nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng

Thứ sáu, 28/06/2019 11:19
(ĐCSVN) – “Việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh…”

Đó là nhấn mạnh của Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tại buổi họp báo thường kỳ quý II năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 27/6, tại Hà Nội, nhằm báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2019 và phương hướng 6 tháng cuối năm của ngành kế hoạch và đầu tư; trong đó, tập trung các giải pháp giúp nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng.  

Họp báo diễn ra tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội (Ảnh: HNV)

Tiếp tục bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, trên cơ sở theo dõi sát và kịp thời phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong nước và thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019; trong đó, có các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019. “Việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh…”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chú trọng là quản lý vốn đầu tư phát triển năm 2019. Nhằm triển khai kế hoạch đầu tư năm 2019 và công tác quản lý vốn đầu tư phát triển, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án giao chi tiết kế hoạch 2019 cho các bộ, ngành, địa phương và kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án.

Đó là, dự án đường sắt và đường bộ quan trọng, cấp bách sử dụng 15.000 tỷ đồng vốn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020; dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư giai đoạn 2014-2016; dự án sử dụng vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước năm 2019 của các bộ, ngành; giao bổ sung và điều chỉnh kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, Bộ còn điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA giai đoạn 2016-2020 cho các dự án; báo cáo Quốc hội về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.Đồng thời, bổ sung danh mục dự án mới từ nguồn điều chỉnh nội bộ, dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương và một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 .

Ngoài ra, để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trao đổi về thay đổi trong Luật sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp.

“Tinh thần phân cấp và giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính sẽ được Bộ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới vì một mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước” - Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài giải đáp thắc mắc của báo chí (Ảnh: HNV)

Tận dụng cơ hội và có giải pháp phòng tránh thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những tác động đến Việt Nam, đặc biệt là xu hướng chuyển dịch của dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam, ông Nguyễn Nội - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư tư nước ngoài cho biết, hiện nay nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc với tổng đầu tư là 2,2 tỉ đôla Mỹ, xếp thứ ba trong 6 tháng đầu năm nhưng về lũy kế thì xếp thứ 7.

"Trong ngắn hạn chưa thể kết luận chính thức, nhưng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chúng tôi cũng nhận định khi Mỹ áp thuế cao có thể có chuyển dịch đầu tư. Thuận lợi là chúng ta đón nhận dự án đầu tư tốt, nhưng hạn chế là ngăn chặn dự án chất lượng không cao, gian lận xuất xứ. Vấn đề này đã được Bộ nêu trong đề án tổng kết thu hút vốn FDI, đặt ra nghiên cứu và sửa đổi liên quan" - ông Nguyễn Nội thông tin. 

Theo ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ngắn hạn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể giúp Việt Nam tiếp cận thị trường, nhưng về trung và dài hạn ông Khôi cho rằng sẽ bị tác động tiêu cực, do bị ảnh hưởng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo đó, các vấn đề đặt ra như chuỗi cung ứng và chuyển giao công nghệ.

Do đó, ông Khôi cho rằng để ứng phó cần phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, điều chỉnh linh hoạt tỉ giá cũng như tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại ngăn chặn hàng nước ngoài đội lốt vào Việt Nam, kiểm soát chặt hàng hóa nhập vào Việt Nam mà chỉ lắp ráp giản đơn để xuất vào Mỹ.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác định chủ động và tỉnh táo tận dụng mọi cơ hội cũng như phòng tránh các thách thức do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp thông tin với báo chí tại cuộc họp (Ảnh: HNV)

Cần hiểu đúng thông tin về Luật quy hoạch

Giải đáp thắc mắc liên quan tới đề xuất của Chính phủ về dự thảo "nghị quyết thi hành Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch" (dự thảo nghị quyết này không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành), theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Luật quy hoạch có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ trình nghị quyết để hoãn thi hành luật là không chính xác, mà là để tháo gỡ một số vướng mắc trong triển khai thực hiện, trước khi các quy hoạch mới được lập phê duyệt. "Những nội dung trình sang hoàn toàn để đảm bảo việc điều hành của Chính phủ, địa phương diễn ra liên tục trước khi Luật quy hoạch mới được thông qua" - ông Thắng khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, do đây là luật có tác động lớn nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải sửa 37 luật liên quan. Đơn cử như việc sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp sẽ gắn với Luật quy hoạch, ví dụ với dự án nằm trong quy hoạch sẽ bỏ qua việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Ngoài ra, Luật quy hoạch cũng có vai trò để cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm các quy định không còn phù hợp.

Ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch cho biết thêm, hiện nay những vướng mắc liên quan đều tập trung vào những điều khoản chuyển tiếp nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ kiến nghị sang Quốc hội là để giải quyết các điều khoản chuyển tiếp với Luật quy hoạch, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và bộ ngành.

Thực tế, trong quá trình xây dựng các quy hoạch trước đây, do cách xây dựng và chất lượng các quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng nên quá trình thực hiện phải điều chỉnh. Vì điều chỉnh phải tuân thủ theo Luật quy hoạch nên các bộ ngành địa phương lúng túng, việc ban hành hướng dẫn nghị định thi hành Luật quy hoạch lại quá chậm so với yêu cầu nên các bộ ngành khi thực hiện điều chỉnh gặp nhiều khó khăn./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực