Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản

Thứ năm, 08/02/2018 17:47
(ĐCSVN) - Sáng 8/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tham tán thương mại năm 2018.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, sản xuất của ngành nông nghiệp nước ta nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm cho trên 90 triệu dân hoàn toàn đã vượt khả năng, vì vậy, nhiệm vụ quan trọng là cần mở rộng tối đa thị trường toàn cầu cùng với những sản phẩm nông sản có chất lượng cao nhất.

Cho rằng thị trường là khâu rất quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm cải tiến, bổ sung, phối hợp cách làm ở trong nước và ngoài nước nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác xúc tiến, mở rộng thị trường.

Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, thị trường Nhật Bản đánh giá cao nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt với việc lô thịt gà được xuất bán sang Nhật đã chứng minh cho sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có “phép thử” tại thị trường khó tính này. Cùng với đó là các mặt hàng chuối, xoài đang có nhiều tiềm năng để xuất khẩu, tuy nhiên, theo Tham tán thương mại tại Nhật, giá cả xuất khẩu các mặt hàng này vẫn còn cao do sản phẩm dễ bị hỏng và khâu vận chuyển vẫn còn khá tốn kém. Vì vậy, kiến nghị cần có tác động đến các công ty vận chuyển nhằm giảm được giá thành vận chuyển để chiếm lĩnh thị trường.

Với thị trường Úc, theo Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường này, việc đàm phán xuất khẩu nông sản tốn khá nhiều thời gian, vì vậy, cần tìm giải pháp làm thế nào để rút ngắn quá trình đàm phán. Về phía thị trường Úc đã mở cửa cho một số loại quả nông sản của Việt Nam, tuy nhiên, vấn đề quan tâm hiện nay là làm thế nào để xuất khẩu được tôm tươi nguyên con của Việt Nam sang thị trường này. Nếu mở cửa được sản phẩm tôm tươi nguyên con sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Cùng với đó, Tham tán thương mại tại Úc cũng đề nghị cần có sự phối hợp thông tin giữa Bộ NN&PTNT với tham tán nhằm có sự phối hợp thực hiện tốt các chương trình đàm phán.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, các tham tán cần tìm hiểu công nghệ mới của các nước, chuyển giao về cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các tham tán cần tăng cường trao đổi thông tin thị trường. Nhiệm vụ cuối cùng của thương vụ là đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia xúc tiến đầu tư.

Nhằm thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, Bộ NN&PTNT kiến nghị với các tham tán thương mại phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT để kịp thời thông tin những chính sách mới, các biện pháp thuế quan, hàng rào kỹ thuật, thông tin thị trường (nhu cầu, thị hiếu, bao bì, mẫu mã đặc thù....) của các nước, vùng lãnh thổ; đề xuất các giải pháp thích hợp với những chính sách của nước sở tại cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với đó, phối hợp với các Cơ quan liên quan giải quyết các tranh chấp thương mại, các rào cản thương mại, các rào cản kỹ thuật; tham gia vào tiến trình đàm phán, mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... và các thị trường tiềm năng như: Trung Đông, Châu Phi.

Hỗ trợ Bộ NN&PTNT đôn đốc các nước triển khai thực hiện các các thỏa thuận hợp tác, các điều ước quốc tế về hợp tác khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn đã ký kết giữa Việt Nam và các nước. Đồng thời, thông báo các thủ tục và quy định trong thanh tra, kiểm tra cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật; các cam kết hội nhập trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam với các đối tác song phương và đa phương.

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản tại Hội nghị cho thấy, năm 2017, nhu cầu tiêu thụ của hầu hết các thị trường đều tăng là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có mặt hàng nông lâm thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 ước đạt 36,37 tỷ USD, tăng 4,19 tỷ USD (tương đương 13%) so với năm 2016; thặng dư thương mại ước đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016. Trong 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, đã có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính tăng cao như: rau quả đạt 3,45 tỷ USD (tăng 40,5%); cao su đạt 2,26 tỷ USD (tăng 35,6%); gạo đạt 2,66 tỷ USD (tăng 23,2%); điều đạt 3,52 tỷ USD (tăng 23,8%), tôm đạt 3,9 tỷ USD (tăng 22,3%).../.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực