Tăng cường hợp tác song phương về thương mại gỗ giữa Việt Nam và Cam-pu-chia

Thứ ba, 23/10/2018 21:33
(ĐCSVN) - Tại buổi đối thoại giữa đại diện của Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng cục Lâm nghiệp Cam-pu-chia cùng một số đơn vị, hai bên đã trao đổi những vấn đề quan trọng liên quan đến quy định pháp luật và việc thực thi các quy định này trong việc khai thác, vận chuyển, xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của hai nước.

Quang cảnh buổi đối thoại (Ảnh: QH)

Ngày 22/10/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Cam-pu-chia tổ chức Đối thoại chính sách về thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và Cam-pu-chia đảm bảo tính hợp pháp và bền vững. 

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, việc đảm bảo gỗ nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp là một trong những giải pháp quan trọng trong chính sách phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam, trong đó gỗ nhập khẩu đã bổ sung nguồn nguyên liệu, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu gỗ. Với Cam-pu-chia là một trong số các nước cung cấp gỗ nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.

Chính vì vậy, buổi đối thoại có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ cho các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cho cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội gỗ của cả hai bên được cập nhật thông tin mới nhất và chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật trên thực tế. Mặt khác, cuộc đối thoại cũng góp phần chia sẻ những bài học kinh nghiệm và kế hoạch hành động nhằm giải quyết những thách thức, khó khăn đặt ra giữa hai nước về thương mại gỗ và sản phẩm gỗ.

Tại buổi đối thoại, ông Chan Ponika, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cam-pu-chia khẳng định, Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quản lý rừng bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân thông qua việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và thương mại gỗ hợp pháp và bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quốc gia nhập khẩu đã thiết lập các quy định và yêu cầu kỹ thuật về thương mại gỗ và sản phẩm gỗ. Những yêu cầu đó có thể tạo ra tính phức tạp, tăng chi phí và khó khăn trong việc tuân thủ. Vì vậy, ông Chan Ponika hy vọng buổi đối thoại sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, tăng cường thương mại gỗ và lâm sản ngoài gỗ có nguồn gốc hợp pháp giữa hai quốc gia.

Tại buổi đối thoại, hai bên đã trao đổi một số vấn đề như: Tổng quan về tình hình chế biến và xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam và Cam-pu-chia; các quy định về gỗ hợp pháp trong chuỗi cung bao gồm khai thác, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu; quy định thủ tục hải quan về kiểm soát xuất, nhập khẩu gỗ và các biện pháp để tăng cường kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp qua đường biên giới./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực