Phú Xuyên - Nhân tố mới trong sản xuất nông nghiệp bền vững

Chủ nhật, 26/06/2016 17:35
(ĐCSVN) - Phú Xuyên là huyện chiêm trũng của Hà Nội, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Thời gian qua, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được địa phương xác định là một trong những giải pháp quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Một mô hình trồng bưởi diễn - cam canh. (Ảnh: Đ.H)

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, công tác lập quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp được Phú Xuyên đặc biệt coi trọng. Trong đó, quy hoạch của mỗi xã được làm rõ vùng sản xuất lúa, vùng trồng rau màu, vùng trồng cây ăn quả, trồng hoa, chăn nuôi tập trung xa dân cư, nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với phát triển trang trại. Theo số liệu của UBND huyện Phú Xuyên, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 10.751 ha, trong đó, vùng trồng lúa chất lượng cao và vùng sản xuất lúa có năng suất cao có tổng diện tích 7.521 ha; vùng trồng rau an toàn có tổng diện tích 616,3 ha; vùng nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi xa khu dân cư có tổng diện tích 1.514 ha; vùng trồng hoa có diện tích 11,56 ha; vùng trồng cây ăn quả là 240,38 ha; v.v.

Nhờ làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, nên đã hình thành nhiều điểm sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, như mô hình trồng hoa chất lượng cao, mô hình lúa - cá - vịt... Mặt khác, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành được 73 trang trại, trong đó có 10 trang trại chăn nuôi, 10 trang trại tổng hợp, 19 trang trại nuôi trồng thuỷ sản,… Tổng giá trị sản lượng hàng hoá của 73 trang trại là 112,658 tỷ đồng.

Nhìn chung, công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của huyện là tương đối phù hợp với tình hình thực tiễn của từng xã, có tính khả thi cao, góp phần đẩy mạnh sản xuất sau công tác dồn điền đổi thửa, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu cây trồng của Phú Xuyên đã có bước chuyển biến tích cực. Cơ cấu được chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thuỷ sản. Việc đưa các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất giúp tăng giá trị sản xuất/ha từ 2 - 3 lần, thậm chí có những mô hình gấp 5 - 6 lần so với cấy lúa. Nhiều mô hình mới được nhân dân áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng măng tây xanh, su hào chịu nhiệt trái vụ; mô hình rau cần, khoai tây vụ Đông, bí xanh an toàn; mô hình ấp nở gia cầm; mô hình trồng bưởi diễn, cam canh, hoa ly. Chăn nuôi quy mô lớn được đưa dần ra khỏi khu dân cư như chăn nuôi bò sữa ở xã Quang Lãng, lợi nhuận hàng năm đạt 3,5 tỷ đồng; lợn thịt ở xã Hồng Thái, Quang Lãng với quy mô 1.000 - 4.200 con với lợi nhuận từ 2,7 - 5,7 tỷ đồng/năm; nuôi gà thịt ở Quang Lãng với quy mô 10.000 con, lợi nhuận hàng năm đạt 800 triệu đồng. Những mô hình sản xuất này đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, hình thành nhiều mô hình sản xuất mới, nên đã tạo điều kiện để Phú Xuyên đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giải phóng sức lao động, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo bền vững. Cách đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của Phú Xuyên là, ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, thành phố, huyện có chủ trương khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng.

Cụ thể, huyện hỗ trợ 50% kinh phí mua máy cấy, máy gieo hạt đối với các hợp tác xã và hộ nông dân. Hàng năm hỗ trợ 70.000 đồng/sào cấy lúa bằng máy, hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhà lưới để triển khai mô hình trồng măng tây. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã có tới 455 máy làm đất, 30 máy gặt đập liên hoàn, 147 máy cấy; tổng diện tích được cấy máy năm 2015 là 1.200 ha. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, năng suất tăng từ 200 - 300 kg/ha, chi phí sản xuất giảm từ 3 - 3,5 triệu đồng/ha. Đặc biệt, sau khi triển khai gieo mạ khay, Hợp tác xã Phú Thắng đã làm chủ công nghệ sản xuất khay gieo mạ, giá thể và chuyển giao kỹ thuật làm mạ khay cấy máy cho các địa phương khác, trở thành huyện đi đầu của thành phố Hà Nội trong việc gieo mạ khay - cấy máy.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Phú Xuyên đã xác định tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung, bền vững, áp dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao. Các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi tiếp tục được chú trọng áp dụng như đưa giống bò BBB, bò sữa vào sản xuất. Các giống thuỷ sản được quan tâm đầu tư như cá diêu hồng, cá lăng, cá trắm đen, cá rô đầu vuông. Tiếp tục đẩy nhanh việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào một số trang trại như máng ăn tự động, hệ thống phun sương, làm mát, máy thái cỏ, máy vắt sữa,…

Từ những kết quả nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ở Phú Xuyên cho thấy, để nâng cao giá trị gia tăng, trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ lợi ích của công tác quy hoạch và hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hoá, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tổ chức thực hiện tốt các đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố; ban hành nghị quyết, kế hoạch, đề án và hướng dẫn kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Khuyến khích phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Trong quá trình chỉ đạo thực hiện cần phải sâu sát, cụ thể. Cần thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện đúng quy hoạch đối với các vùng sản xuất đã được phê duyệt. Tập trung giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, nhất là trong công tác quản lý đất đai. Tập trung cao sự chỉ đạo, lãnh đạo công tác dồn điền đổi thửa, gắn với việc phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo quy hoạch, theo hướng sản xuất hàng hoá, kiên quyết khắc phục tình trạng sản xuất manh mún; tạo quỹ đất gọn vùng, các ô thửa có diện tích lớn nhằm dễ đưa cơ giới hoá, kỹ thuật mới vào sản xuất…

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực