Phú Thọ nỗ lực giảm nghèo bền vững

Chủ nhật, 28/05/2017 17:06
(ĐCSVN) - Phú Thọ là tỉnh miền núi, có 21 dân tộc và 72 xã đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo.

 

Một ngôi nhà kiên cố theo chương trình 167 ở Phú Thọ (Ảnh: Đ.H).

Hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất

Để đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, Phú Thọ đã tập trung hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất. Theo số liệu của UBND tỉnh, thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và đất để trồng rừng sản xuất, hỗ trợ 1.093,5 triệu đồng cho 1.333 hộ được thụ hưởng, với số diện tích được giao 15.675,7 ha; hỗ trợ sản xuất trực tiếp cho hộ nghèo 2.000,962 triệu đồng; hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang cho 1.234 hộ dân, tổng kinh phí hỗ trợ 794 triệu đồng, diện tích hỗ trợ 108,7ha. Hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông, khuyến ngư cho 516 hộ, kinh phí hỗ trợ 3.900,3 triệu đồng; tập huấn kỹ thuật cho 7.680 lượt người, kinh phí 371,6 triệu đồng; hỗ trợ 184 cộng tác viên khuyến nông thôn, bản (trong 3 năm), kinh phí hỗ trợ 532,9 triệu đồng. Đồng thời, để nâng cao trình độ của đội ngũ làm công tác xóa đói giảm nghèo, địa phương đã mở 152 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 8.244 lượt cán bộ xã và cộng đồng với tổng kinh phí 4.120 triệu đồng. Mở 145 lớp sơ cấp, trung cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, số lao động được đào tạo là 5.002 lao động.

 

Thực hiện Dự án đưa 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã, đến nay đã có 8 tri thức trẻ được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND tại các xã trên địa bàn huyện Tân Sơn. Các tri thức trẻ đã nhanh chóng tiếp cận nhiệm vụ, tích cực tham gia và phát huy được vai trò của mình trong công tác tham mưu cho chính quyền địa phương. Từ đó, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn.

Điểm đáng chú ý, để phong trào xóa đói giảm nghèo lan tỏa rộng khắp, địa phương đã tập trung nhân rộng mô hình giảm nghèo. Bên cạnh các mô hình phát triển sản xuất do các tổ chức, đoàn thể triển khai thực hiện giảm nghèo hiệu quả trong những năm qua, được hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình mục tiêu 3.000 triệu đồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Bảo vệ thực vật, UBND các huyện Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy, Tân Sơn, Hạ Hòa xây dựng và triển khai thực hiện 2 mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI tại xã Thu Ngạc và xã Xuân Sơn huyện Tân Sơn; 4 mô hình khoai tây làm đất tối thiểu tại xã Xuân Thủy huyện Yên Lập, xã Yên Kiện, Phương Trung huyện Đoan Hùng, xã Đào Xá huyện Thanh Thủy; 1 mô hình chăn nuôi gà ri lai dưới tán rừng tại xã Minh Hòa huyện Yên Lập; 1 mô hình nhân giống gà nhiều cựa cho 30 hộ xã Xuân Đài huyện Tân Sơn; 6 mô hình bò sinh sản tại các xã Minh Côi, Lang Sơn huyện Hạ Hòa, Ngọc Đồng, Ngọc Lập, Minh Hòa, Đồng Lạc huyện Yên Lập. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tham gia tập huấn theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi với 16 buổi tập huấn trên lúa, 40 buổi trên khoai tây, 11 buổi cho mô hình gà ri thả vườn, bò sinh sản với 1.266 lượt người tham gia.

Tự mình vượt lên xóa đói nghèo

Xác định con người là nhân tố quyết định trong thực hiện chương trình giảm nghèo, trước hết cần nâng cao nhận thức cho người nghèo trong hoạt động giảm nghèo, tự mình vượt lên xóa đói nghèo, tỉnh đã chú trọng hoạt động truyền thông năng cao nhận thức, năng lực cho người nghèo. Từ nguồn kinh phí được hỗ trợ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan soạn thảo nội dung, in ấn trên 70.000 tờ rơi, tờ gấp, 12.000 cuốn cẩm nang địa chỉ cung cấp dịch vụ công tác xã hội, 5.000 cuốn tài liệu hệ thống, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo, 1.500 cuốn sách “Phú Thọ thực hiện Chương trình giảm nghèo” tập hợp các bài viết của các tác giả chuyên và không chuyên giới thiệu các gương tập thể, cá nhân điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, làm giàu chính đáng của các địa phương trong tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, do làm tốt ngay từ khâu tuyên truyền phổ biến, nhất là việc thực hiện nghiêm túc các quy định từ việc việc rà soát, bình xét hộ nghèo; hỗ trợ kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ cho người nghèo, hộ nghèo, triển khai dân chủ, minh bạch các chính sách, dự án được đầu tư... nên trong những năm qua, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu giảm nghèo của tỉnh không có sai sót, sai phạm đáng kể; không có tham ô, tham nhũng xảy ra. Cơ bản nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước. Hầu như không xảy ra khiếu nại, tố cáo, chủ yếu là người dân hỏi về chính sách, chế độ và thắc mắc, suy bì tại sao mình không “được” là hộ nghèo trong khi hộ khác khá hơn, có điều kiện hơn lại là hộ nghèo.

Qua các năm thực hiện Chương trình giảm nghèo, với việc huy động tổng hợp các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên địa bàn đã phát huy hiệu quả tích cực, hoàn thành tốt việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh; tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, đưa Phú Thọ cơ bản ra khỏi tỉnh nghèo: Xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo, kết cấu hạ tầng được tăng cường, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được tăng lên. Mức sống dân cư được cải thiện góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

100% số người nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế

Hầu hết các chính sách, dự án của chương trình thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra. 100% số người nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế. Mỗi năm cấp 155.000 thẻ. Bảo đảm người nghèo được cấp, sử dụng thẻ BHYT ngay từ đầu năm, được khám chữa bệnh tại cơ sở y tế, tiếp cận dịch vụ y tế, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao. 100% con em hộ nghèo được hỗ trợ miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp theo quy định. Chính sách Tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo bảo đảm hầu hết người nghèo có nhu cầu được vay vốn với mức vay đáp ứng chu kỳ phát triển sản xuất. Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện đúng quy trình và thủ tục cho vay, thu hồi vốn thuận tiện, nhanh chóng, phù hợp với đối tượng là người nghèo.

Chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở là một trong những chính sách được thực hiện thành công nhất của tỉnh từ khâu phối hợp rà soát số lượng, huy động nguồn lực và triển khai thực hiện. Đã hoàn thành xóa nhà tạm cho hộ nghèo giai đoạn I theo Quyết định số 167 với 13.080 hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm, đạt mục tiêu của tỉnh đặt ra. Tỉnh Phú Thọ đang triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo giai đoạn II cho 5.300 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Các hoạt động khác như truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, quản lý giám sát chương trình được triển khai thường xuyên, hiệu quả.

Nhờ tích cực triển khai đồng bộ chương trình xóa đói giảm nghèo, giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh (theo chuẩn cũ) giảm từ 20,34% đầu năm 2011 xuống còn dưới 10% hết năm 2015, riêng huyện nghèo Tân Sơn giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%. Chương trình đã tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp các hộ nghèo có vốn sản xuất, tạo việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, kiến thức làm kinh tế cho người nghèo. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển, trình độ dân trí, kinh nghiệm sản xuất được nâng lên, tạo điều kiện cho người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Bộ mặt nông thôn được thay đổi, cải thiện, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Với những thành công về xóa đói giảm nghèo đã đạt được, giai đoạn 2016 - 2020 Phú Thọ đã đề ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 giảm xuống dưới 5%; huyện nghèo Tân Sơn, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4% trở lên, phấn đấu đến năm 2020 ra khỏi huyện nghèo. Để đạt được mục tiêu trên, địa phương xác định tiếp tục thực hiện nhóm giải pháp về chính sách hỗ trợ tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội. Thường xuyên rà soát nắm chắc tình hình vùng nghèo, người nghèo, các nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghèo để chương trình hỗ trợ tác động đúng đối tượng, đúng mục đích, địa chỉ. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức trong giảm nghèo, khuyến khích động viên người nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Bên cạnh việc chỉ đạo, theo dõi đôn đốc thực hiện, chương trình cần đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời phát hiện và khắc phục các sai sót, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Tập trung nguồn lực, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động, bố trí đủ nguồn, lồng ghép các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình ở huyện nghèo Tân Sơn theo Nghị quyết 30a và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), chương trình xây dựng nông thôn mới để tập trung đầu tư đúng địa chỉ, vùng nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, tránh dàn trải, cào bằng, bình quân; chỉ đạo thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động, trong đó quan tâm ưu tiên tới người nghèo, lao động thiếu việc làm. Tăng cường công tác xuất khẩu lao động, nhất là đối với các huyện miền núi, có tỷ lệ hộ nghèo cao như Yên Lập, Cẩm Khê, Tân Sơn...

Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình mục tiêu, tỉnh cân đối bố trí theo khả năng nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện các hoạt động của chương trình hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công và trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội khác..../.

 

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực