Phát triển thương hiệu vải thiều Thanh Hà

Thứ sáu, 13/07/2018 19:08
(ĐCSVN) – Huyện Thanh Hà (Hải Dương) có lợi thế đất đai do phù sa bồi tụ, thuận lợi cho phát triển nhiều loại sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, đặc biệt là vải thiều.
Vải thiều Thanh Hà được dán tem sản phẩm (Ảnh: HNV)

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Trịnh Văn Thiện, cây vải đã có lịch sử lâu đời ở Thanh Hà, Hải Dương. Tại đây, cây vải thiều gốc do cụ Hoàng Văn Cơm trồng gần 200 năm trước hiện vẫn đang phát triển tốt, được Hội làm vườn Việt Nam công nhận là “Cây vải thiều tổ” và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Cây vải thiều lâu năm nhất”.

Vải thiều Thanh Hà khi chín có vỏ màu hồng sáng, trong quá trình bảo quản, thời gian chuyển từ màu đỏ hồng sang đỏ sẫm lâu hơn so với quả vải ở nơi khác. Đây là ưu thế của vải Thanh Hà khi vận chuyển đi xa. Thêm nữa, quả vải khi chín vỏ mỏng, gai lì, lớp vỏ lụa dai. So sánh với vải ở các nơi khác, vỏ quả thường dày, thân gai to xù xì hơn. Đối với sản phẩm vải thiều Thanh Hà được sấy khô vỏ quả có màu nâu sẫm, ruột màu cánh gián. Bên cạnh đó, vải thiều Thanh Hà có hạt nhỏ, tỷ lệ phần thịt quả cao hơn, đặc biệt những cây vải nhiều tuổi hạt nhỏ hơn cây vải ít tuổi. Vải thiều Thanh Hà có vị ngọt đậm, hương thơm mát đặc trưng, khi ăn lưu giữ hương vị lâu hơn. Nét đặc trưng khác biệt giữa vải thiều Thanh Hà với vải được trồng ở địa phương khác là độ giòn của cùi, cùi vải ráo, khi bóc không bị chảy nước.

Vải thiều Thanh Hà được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2007, đạt Top 50 sản phẩm uy tín chất lượng do Trung ương Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn năm 2012, lọt Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn năm 2013, vinh danh Top đầu với 2 giải thưởng “Thương hiệu vàng- Logo và slogan ấn tượng” năm 2015; được Hội khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Thương hiệu thực phẩm an toàn tiêu dùng” năm 2016 và mới đây nhất, được Viện Sở hữu Trí tuệ quốc tế phối hợp với Liên hiệp Khoa học doanh nhân Việt Nam cấp chứng nhận Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018…

Cũng theo ông Trịnh Văn Thiện, thương hiệu vải thiều Thanh Hà đã vượt ra khỏi phạm vi địa phương cũng như toàn quốc để vươn ra nhiều quốc gia khác như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Pháp, Canada… bên cạnh những thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Indonesia…

Báo cáo của UBND huyện Thanh Hà về tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều, năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp huyện Thanh Hà đạt 2.123 tỷ đồng, trong đó cây vải đóng góp gần 800 tỷ đồng với 21.000 tấn quả. Năm 2018 này, diện tích cây ăn quả của huyện là 6.702 ha, chiếm khoảng 35% diện tích đất nông nghiệp. Trong đó, 92,68 ha vải sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi cao như: Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản,… 

Về tiêu thụ vải, vụ vải năm 2017, trên địa bàn huyện đã có nhiều công ty, doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân. Ngoài ra, còn có khoảng 35-40 điểm trên địa bàn huyện thu mua vải tập trung. Vụ vải 2018 ngoài các đơn vị truyền thống, có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến sản phẩm, thương hiệu vải thiều Thanh Hà… Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức lễ hội vải thiều Thanh Hà vào ngày 10-11/6/2018 đồng thời tổ chức Tuần lễ vải thiều Hải Dương tại Hà Nội từ 16 - 22/6 nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa vải thiều đến người tiêu dùng khắp nơi.

Những hộp đựng hàng vải thiều Thanh Hà được thiết kế chuyên nghiệp (Ảnh: HNV)

Nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết và sử dụng sản phẩm, huyện Thanh Hà đã phối hợp với Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển Hà Nội – Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam triển khai tập huấn và thực hiện việc ứng dụng công nghệ số nhằm phát triển và bảo vệ thương hiệu vải thiều Thanh Hà trong truy xuất sản phẩm vải thiều của huyện; cung cấp và giao, kích hoạt toàn bộ 25 hệ thống tài khoản truy cập sử dụng mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm quả vải thiều của huyện cho các HTX dịch vụ nông nghiệp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; đồng thời sử dụng mã vạch Qr - truy xuất nguồn gốc nông sản và dán tem túi đựng sản phẩm vải quả khi xuất ra thị trường.

Để việc phát triển thương hiệu vải thiều hiệu quả và bền vững, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Trịnh Văn Thiện, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; hỗ trợ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến áp dụng trong sản xuất, chế biến, bảo quản vải thiều Thanh Hà. UBND và các sở, ngành liên quan của tỉnh Hải Dương tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ người dân để nâng cao giá trị sản xuất cây ăn quả đặc sản vải thiều, hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho huyện; có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, nhất là trong việc bao tiêu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ với người dân trong việc sản xuất và tiêu thụ vải; cam kết thực hiện đúng các quy định về sử dụng chỉ dẫn địa lý vải thiều Thanh Hà, tem nhãn thương hiệu vải thiều Thanh Hà...

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực