Phát triển nông nghiệp thông minh bền vững

Thứ sáu, 13/07/2018 09:14
(ĐCSVN) – Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, muốn phát triển nông nghiệp thành công, phải cơ cấu lại nền nông nghiệp, và một trong những giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2018 diễn ra trong hai ngày 12 và 13/8 tại Hà Nội, chiều 12/7, phiên hội thảo chuyên đề “Tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững” đã diễn ra với sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, bằng việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển “tam nông”, trong đó có phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp động lực. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạng xuất khẩu tạo tiền đề cho nông nghiệp thông minh”.

Hình ảnh tại Hội thảo.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, khu vực nông thôn hiện chiếm 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động với hàng triệu mảnh ruộng là những thách thức lớn đối với yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, phải cơ cấu lại nền nông nghiệp, và một trong những giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định, bản chất nông nghiệp thông minh là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân. Những công nghệ tiên tiến đã giúp nền nông nghiệp của nhiều quốc gia phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Do đó, việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để thành công, cần sự nỗ lực, phối hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng, bền vững giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước.

“Thực trạng nước ta hiện nay, nông nghiệp khó có thể ứng dụng 4.0 theo phương thức “dàn hàng ngang” cùng tiến, mà phải lựa chọn công nghệ phù hợp áp dụng đối với mỗi loại sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội mỗi vùng, miền. Lựa chọn những giải pháp hiệu quả bước đi linh hoạt để xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi gắn với ứng dụng nghiêm ngặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường và thị trường tiêu thụ” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Thảo luận về các chính sách xây dựng nông nghiệp 4.0, các chuyên gia, đại biểu trong nước và các tập đoàn nước ngoài đã đưa ra các giải pháp nhằm gia tăng năng suất, phát triển nông nghiệp thông minh. Các tham luận cho rằng, khi tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết theo mô hình doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số trong sản xuất và quản trị quá trình sản xuất quy mô hàng hóa, có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, gắn với thương hiệu, thị trường và bền vững với môi trường.

Đáng chú ý, trong tham luận về "Tầm nhìn và chính sách phát triển nông nghiệp thông minh: Kinh nghiệm từ Lâm Đồng”, Tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất 5 giải pháp, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu đề xuất mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số đối với cách mạng công nghiệp 4.0; các viện nghiên cứu cần có chiến lược nghiên cứu phần mềm và phần cứng ứng dụng giải pháp IoT để tạo ra công nghệ mới…/.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực