Phát triển kinh tế nhờ nuôi ba ba gai

Thứ năm, 06/04/2017 12:02
(ĐCSVN) - Cùng với cây chè, cây cam thì con ba ba gai đang là thế mạnh giúp bà con nông dân một số xã vùng ngoài huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) như: thị trấn Nông trường Trần Phú, các xã Cát Thịnh, Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La..., phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.


Một hộ nuôi ba ba gai ở thị trấn Nông trường Trần Phú. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Thu nhập cao dù đầu ra còn bấp bênh


Con ba ba gai được một số hộ dân gom dần về nuôi thử vào khoảng năm 1993. Thấy ba ba lớn nhanh, nguồn thức ăn chủ yếu là giun đất, cá mè thì dồi dào, do vậy bà con đã thử nhân giống. Trải qua một giai đoạn theo dõi và thử nghiệm, bà con đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc nhân giống. Với khả năng sinh sản từ 3 đến 4 lứa mỗi năm, mỗi lứa có từ 25 đến 27 trứng, tỷ lệ nở đạt từ 80- 90%, đến nay đã có rất nhiều hộ tham gia nuôi ba ba gai và đã có nguồn thu nhập cao.

Từ năm 2000 đến 2008, giá bán con giống chỉ đạt từ 30.000 – 50.000đ/con, sau tăng dần. Đến năm 2011, giá bán ba ba gai giống là 400.000 đồng/ con về sau tăng lên 700.000 đồng/ con, giá cặp ba ba gai giống lên đến 2.500.000 đồng/kg. Nhân dân phấn khởi tiếp tục đầu tư­ xây dựng ao và con giống. Năm 2013 – 2014, ở thị trấn Nông trường Trần Phú có 413 hộ tham gia nuôi.

Tuy nhiên do đầu ra của sản phẩm bấp bênh, có thời điểm giá bán ba ba gai giống rớt xuống còn 50.000 đồng/con, giá ba ba gai thương phẩm xuống đến 380.000 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình bị thương nhân lợi dụng ép giá, kết quả chăn nuôi không khả quan đã chuyển đổi sang mô hình phát triển kinh tế khác.

Bà Nguyễn Xuân Hương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn cho biết: Tính đến hết năm 2016, toàn huyện có 490 hộ nuôi ba ba rải rác ở 13 xã, thị trấn, trong đó tập trung chủ yếu ở thị trấn Nông trường Trần Phú và xã Cát Thịnh; với tổng diện tích nuôi là 13 ha, sản lượng ba ba thịt 12,55 tấn và ba ba giống là 80.000 con/năm.

Con ba ba gai vẫn luôn được các hộ chăn nuôi xác định là con đặc sản, là loại con thế mạnh của địa phương. Nuôi ba ba gai cho nguồn thu nhập lớn thứ hai chỉ sau cây cam, quýt, tuy giá bán có rẻ hơn những năm trước nhưng số lượng ba ba giống vẫn được tiêu thụ hết. Thời điểm hiện nay, giá bán ba ba gai thương phẩm từ 500.000 - 530.000 đồng/ kg nhưng không đủ số lượng để cung cấp ra thị trường, loại con giống có trọng lượng 1 lạng đã bán được 190.000 - 200.000 đồng/con.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng (tổ dân phố 10A, thị trấn Nông trường Trần Phú), so với ba ba trơn, chăn nuôi ba ba gai có ưu điểm là ít bệnh tật, lớn nhanh, thời gian phát triển dài và được giá bán cao. Được biết, ông Hùng đã có kinh nghiệm 16 năm chăn nuôi ba ba và hiện đang có hàng chục ô ao nuôi ba ba gai với tổng diện tích hơn 6.000 m2.


Nhà để ba ba sinh nở. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Tạo sinh kế bền vững cho hộ gia đình 

Cũng theo bà Nguyễn Xuân Hương, từ năm 2010 – 2013, Phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn đã tổ chức 2 lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ba ba cho 123 hộ; hỗ trợ 20 hộ chăn nuôi ba ba sinh sản, qui mô 10 cặp/hộ (2 con cái và 1 con đực/cặp), với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Ba ba gai được Phòng nông nghiệp huyện Văn Chấn đánh giá là một loại vật dễ nuôi, chu kỳ khai thác dài, có ưu thế phát triển và là thế mạnh của thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Cát Thịnh.

Nhờ con ba ba gai mà nhiều hộ gia đình nông dân đã đạt thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; điển hình gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng, anh Hoàng Văn Cương, anh Phạm Văn Bình; các hộ gia đình có thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên như: hộ gia đình ông Phạm Ngọc Vê, anh Nguyễn Văn Cường, anh Nguyễn Hoàng Quyết, chị Nguyễn Thị Nguyệt, anh Nguyễn Văn Thống, anh Nguyễn Trung Kiên. Nhiều gia đình đã xây được nhà cao tầng, mua được ô tô và các trang thiết bị đắt tiền.

Bên cạnh những thuận lợi, nhiều hộ nuôi ba ba gai cũng gặp một số khó khăn nhất định như: phụ thuộc vào nguồn nước thay thế; nguồn nước bị ô nhiễm do thức ăn thừa, chất thải của con giống, làm cho con giống chậm lớn, hoặc bị bệnh; người tiêu dùng trên thị trường còn chưa hiểu hết giá trị của con ba ba; tư thương còn ép giá, giá cả thị trường bấp bênh; còn thiếu chính sách hỗ trợ của Nhà nước...

Nhận thấy tiềm năng của con ba ba gai, từ năm 2014 đến 2016, Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Trần Phú đã tạo điều kiện cho 251 lượt hộ vay 13 tỷ 850 triệu đồng để chăn nuôi ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản. Đồng thời thành lập Hội nuôi ba ba thị trấn Nông trường Trần Phú để các hộ trợ giúp nhau về kỹ thuật chăn nuôi, cùng bà con tháo gỡ khó khăn về nguồn nước, tiêu thụ và giảm sự lệ thuộc vào tư thương; từ đó giúp các hộ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống./.

Phạm Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực