Phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện, hiện đại

Thứ ba, 21/03/2017 15:42
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa thông qua Đề án Phát triển kinh tế biển giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo đó, Ninh Thuận phấn đấu trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển theo hướng toàn diện và hiện đại. Tỉnh quan tâm đầu tư các nhóm ngành kinh tế biển có tiềm năng như: khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, phát triển du lịch biển...
Ninh Thuận xác định kinh tế biển là thế mạnh quan trọng quyết định tốc độ phát triển
kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tỉnh đề ra các nhóm giải pháp lớn về các chính sách, biện pháp để huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; đô thị ven biển; thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển chiếm 38 % đến 40% tổng sản phẩm nội tỉnh; tổng giá trị sản xuất, dịch vụ kinh tế biển đạt từ 17.000 đến 17.500 tỷ đồng; giá trị kim ngạch xuất khẩu các ngành kinh tế biển chiếm 46 đến 47% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. 

Xác định ngành kinh tế biển không chỉ làm giàu cho đất nước mà còn gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc, Ninh Thuận đang tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ; hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản các vùng biển xa và đầu tư phát triển tàu cá công suất lớn; tiếp tục thành lập các tổ đội khai thác hải sản xa bờ kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo. 

Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 105 km, Ninh Thuận là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước với tổng trữ lượng cá, tôm tương đối lớn, khả năng khai thác trên 60.000 tấn hải sản/năm với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. 

Ngoài ra, Ninh Thuận có nhiều bãi biển và vịnh tuyệt đẹp như: Vĩnh Hy, Bình Tiên, Ninh Chữ, Cà Ná…cùng với khí hậu đặc thù nắng gió quanh năm, rất thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, phát triển năng lượng sạch điện gió, điện mặt trời, xây dựng cảng nước sâu, đồng thời có vị trí chiến lược trong bảo vệ an ninh quốc gia vùng ven biển và trên biển. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2011- 2016, tỉnh đã huy động trên 10.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế biển; các ngành kinh tế biển đóng góp 25,2% GDP của tỉnh; trên 41.000 lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế biển. 

Tỉnh Ninh Thuận đã bước đầu phát huy hiệu quả mô hình khai thác hải sản xa bờ, gắn với dịch vụ hậu cần, thu mua, chế biến, bảo quản sản phẩm trên biển. Hiện nay, tổng số tàu cá toàn tỉnh là 2.754 chiếc với tổng công suất 299.696 CV, trong đó có 159 tàu cá công suất lớn khai thác hải sản xa bờ. Đến tháng 3/2017, Ninh Thuận đã xây dựng được 145 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 885 các chủ tàu cá tham gia. Các tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển thường xuyên giúp đỡ nhau về trang thiết bị, nhân lực, sửa chữa máy móc khi xảy ra hỏng hóc; thông tin về ngư trường đánh bắt; hỗ trợ kết nối thông tin từ tàu về đất liền; vận chuyển hải sản đánh bắt về đất liền; hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chuyên môn, kinh tế biển Ninh Thuận thời gian qua vẫn chưa phát huy hết thế mạnh; quy mô phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng. Kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ các ngành kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ; thiếu các cảng biển hàng hóa và cảng biển chuyên dùng; các hoạt động du lịch biển, thể thao trên biển... chưa thực sự nổi bật./. 


Nguyễn Thành/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực