Nghệ An đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng biển

Thứ ba, 23/05/2017 15:42
Tỉnh Nghệ An đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển hiệu quả chiến lược biển Nghệ An đến năm 2020. Theo đó, tỉnh tập trung khai thác mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng biển và ven biển; phát triển du lịch biển thành ngành kinh tế chủ lực, thủy hải sản là một trong những huớng đi chủ đạo của kinh tế biển.

Ảnh minh họa. Nguồn: VOV

Tỉnh cũng điều chỉnh, bổ sung, xây dựng quy hoạch vùng biển đảo và rà soát, bổ sung điều chỉnh các cơ chế chính sách cho phù hợp với giai đoạn đến năm 2020; huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút dự án đầu tư vào vùng biển đảo và vùng biển.

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí chiến lược của biển, đảo; tập trung đào tạo đội ngũ ngư dân các nghề khai thác mới đáp ứng yêu cầu đánh bắt xa bờ, tàu công suất lớn gắn bảo vệ chủ quyền...

Vùng biển và ven biển Nghệ An gồm 6 huyện, thành, thị (thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc), với bờ biển dài 82 km, dân số 1,226 triệu người (chiếm 39,9% toàn tỉnh). Kinh tế vùng biển và ven biển Nghệ An phát triển khá toàn diện với đầy đủ các ngành nghề; trong đó, có nhiều ngành có ý nghĩa động lực đối với sự phát triển, như du lịch biển, khai thác đánh bắt và chế biến thủy, hải sản, dịch vụ cảng; có nhiều đóng góp lớn vào GDP và ngân sách toàn tỉnh.

Cơ cấu kinh tế vùng biển cũng chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 17,47% năm 2006 xuống 15,47% (hiện nay); tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 31,90% năm 2006 lên 33,14% (hiện nay); tỷ trọng dịch vụ 50,64% năm 2006 tăng lên 51,39%. GDP bình quân đầu người năm 2006 chỉ đạt 9,27 triệu đồng/ người, đến nay đạt trên 36,21 triệu đồng, bằng 1,28 lần bình quân chung toàn tỉnh.

Tuy nhiên, đến nay kinh tế vùng biển và ven biển Nghệ An đang bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại. Nổi lên đó là kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một số ngành nghề liên quan đến kinh tế biển như: vận tải biển, chế biến hải sản... phát triển còn hạn chế. Loại hình du lịch chưa đa dạng và hấp dẫn, chưa có tính liên kết cao giữa các địa phương để hình thành các tour tuyến du lịch đặc trưng riêng. Phương thức sản xuất các ngành nghề như đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản còn nặng tính truyền thống, chưa có sự đầu tư về khoa học công nghệ để tăng năng suất, tăng chất lượng và mở rộng thị trường...

Cùng với tập trung các giải pháp để phát triển hiệu quả chiến lược biển Nghệ An đến năm 2020, tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Trung ương ủng hộ tỉnh trong việc thu hút các nguồn vốn để thực hiện các dự án trọng điểm thực hiện chiến lược biển của tỉnh, trong đó có dự án đường ven biển; đê chắn sóng và luồng cụm cảng Quốc tế Cửa Lò dài 1.000m, nhu cầu vốn khoảng 2.000 tỷ đồng; dự án đê chắn sóng và nạo vét luồng Khu bến cảng Đông Hồi (đê chắn sóng dài 1,6 km, luồng tàu dài 10km, với nhu cầu vốn khoảng 2.610 tỷ đồng).

Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An vào nhóm các khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng từ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn đến năm 2020./.

Nguyễn Văn Nhật/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực