Ngành công nghiệp in trong hội nhập và phát triển

Thứ tư, 15/05/2019 23:03
(ĐCSVN) – Thị trường tiêu dùng trong nước với gần 100 triệu dân là cơ hội hấp dẫn không chỉ đối với các doanh nghiệp in Việt Nam mà còn hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực in bao bì và sản phẩm phụ trợ.
Công nghệ in màu nhãn mác, bao bì ngày càng phát triển. (Ảnh: P.V)

Sự phát triển của ngành công nghiệp in Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Theo TS Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội in Hà Nội, Việt Nam, ngành công nghiệp in là một ngành công nghiệp dịch vụ, sản phẩm in liên quan các ngành kinh tế - xã hội. Không chỉ dừng về quan niệm in sách, báo mà đã trở nên phổ biến được xã hội hóa thành ngành công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất bao bì và gắn mục tiêu hướng dẫn người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu.

Hiện nay, căn cứ số lượng báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành sách có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh liên quan lĩnh vực In,sản xuất và in bao bì. Số lượng các hộ kinh doanh hoạt động photo, gia công sản phẩm in chưa được thống kê, có quy mô khác nhau cũng khoảng hàng nghìn hộ. Tổng doanh thu ngành in Việt Nam dự tính theo quy đổi ngoại tệ đạt trên 5 tỷ USD.

Về công nghệ, có các công nghệ in offset, in ống đồng,  in Plexo là phổ biến. Công nghệ in offset chiếm tỷ trọng cao trong lĩnh vực in văn hoá phẩm và bao bì. Ngoài sử dụng công nghệ in ống đồng, công nghệ in Plexo đang khẳng định vị thế cạnh tranh, thay thế in ống đồng, in offset trong nhiều lĩnh vực,đặc biệt về xu hướng sản phẩm in, bao bì thân thiện với môi trường. Hiện nay, công nghệ in trực tiếp, in phun đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư, từ sản phẩm in quảng cáo tới các dây chuyền in chuyên ngành về chứng từ và nhãn cao cấp. Công nghiệp in 3D đã được một số doanh nghiệp đầu tư, kết nối toàn cầu, tại Việt Nam đang hoạt động quy mô còn nhỏ. Thêm nữa, sản phẩm in đa dạng về mẫu mã và chủng loại, kích thước cũng như trên nhiều vật liệu…

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 trung tâm in lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp in trong nước. Tuy nhiên, tính theo quy mô và doanh thu thì đang hình thành nhiều trung tâm in mới ở các thành phố công nghiệp như Hải Phòng, Bình dương, Hải dương, Hưng yên,… chiếm tỷ trọng cao về sản lượng và doanh thu, chủ yếu tập trung các doanh nghiệp lớn in bao bì và in xuất khẩu.

Phân tích về đặc điểm ngành công nghiệp in Việt Nam hiện nay, TS Bùi Doãn Nề cho hay, số lượng doanh nghiệp in vừa và nhỏ là chủ yếu, bao gồm các doanh nghiệp in  offset, in văn hóa phẩm, sách, báo. Doanh nghiệp lớn có doanh thu trên 200 tỷ VND, chiếm khoảng 10%. Các doanh nghiệp quy mô lớn tập trung vào khu công nghiệp, in tập trung về lĩnh vực bao bì và gia công xuất khẩu.

Quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp in nhà nước, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề, đa dạng hóa sản phẩm, lĩnh vực in xuất bản phẩm thu hẹp, xu hướng chuyển sang sản xuất và in bao bì. Hiện nay, còn một số doanh nghiệp in nhà nước hoạt động in trong lĩnh vực xuất bản phẩm, báo chí và ngành nghề đặc biệt như in tiền, bản đồ. Lĩnh vực in bao bì chủ yếu do doanh nghiệp cổ phần, liên doanh và trách nhiệm hữu hạn và cá nhân tham gia.

Các doanh nghiệp in đã tập trung sản xuất theo thị trường, đầu tư theo lợi thế về công nghệ và đáp ứng thị trường truyền thống. Hạn chế đầu tư dàn trải, đầu tư chiều sâu đã mang lại thương hiệu cho doanh nghiệp, ngay ở lĩnh vực in sách, văn hóa phẩm. Nhìn chung, lĩnh vực in văn hoá phẩm thu hút số đông doanh nghiệp in ở quy mô vừa và nhỏ, lĩnh vực này cạnh tranh cao, vẫn duy trì mức tăng trưởng khoảng 10% về sản lượng nhưng lợi nhuận thấp. Các doanh nghiệp in bao bì có mức tăng trưởng cao trên 20%. Thị trường in bao bì, bao bì chất lượng cao đang hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước  và đầu tư nước ngoài. Đây là thị trường đòi hỏi mức đầu tư cao.

Số lượng lao động ngành in khoảng 50.000 người. Do chưa hấp dẫn về thu nhập, lao động ngành in biến động thường chuyển sang các ngành khác có điều kiện làm việc và thu nhập tốt hơn. Lao động thiếu và chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Các cơ sở đào tạo ngành in còn thiếu và chưa đủ cơ sở vật chất để đào tạo tay nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Nghịch lý là thiếu cơ sở đào tạo xong vẫn thiếu nguồn, các doanh nghiệp chưa có chính sách chiến lược về lao động.

Sản phẩm in tuy đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, song tính cạnh tranh về chất lượng và chi phí còn thấp so với Thái Lan, Singapore. Những doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư chiều sâu, cải tiến quy trình, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đã khẳng định được thương hiệu và có khách hàng ổn định.

Việc đầu tư ngành in còn thấp và dàn trải, thiếu dự án đầu tư chiều sâu và đón đầu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, việc đầu tư thường mang tính chất bổ xung và thay thế dây chuyền cũ hiện có. Các doanh nghiệp lớn lựa chọn công nghệ mới, đồng bộ và đảm bảo môi trường và chuyên môn hoá cao, không dàn trải, có hiệu quả.

Những tác động, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp in Việt Nam

Việc tham gia hội chợ, triển lãm về ngành cũng là cách hiệu quả quảng bá
và tìm kiếm đối tác. (Ảnh: Báo Công Thương)

Theo TS Bùi Doãn Nề, trong bối cảnh hiện nay, ngành công nghiệp in chịu tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, phải kể đến sự phát triển nhanh về công nghệ thông tin, việc chuyển đổi thông tin qua báo, tạp chí (giấy) giảm nhiều, nhất là xu hướng quảng bá sang kênh truyền hình và mạng xã hội. Số lượng sản phẩm in giảm nhưng chủng loại sản phẩm và đơn hàng lại đa dạng. Văn hoá đọc đa dạng và nhiều nhu cầu khác nhau vẫn khiến cho đầu sách, báo tăng nhưng số bản in giảm, thời gian đòi hỏi nhanh. Các doanh nghiệp in văn hóa phẩm về cơ bản vẫn duy trì được việc làm và doanh thu.

Thứ đến là, sản phẩm in, bao bì đòi hỏi chất lượng in ngày càng cao và đa dạng về mẫu mã. Khái niệm sản phẩm in, bao bì sạch, an toàn đã là yêu cầu bắt buộc, là điều kiện đánh giá ban đầu của quy trình tạo sản phẩm. Ngoài ra, ghi nhận chi phí biến đổi nhằm khẳng định chất lượng, thời gian, độ bảo mật của sản phẩm cũng là yêu cầu để ngành in đáp ứng. Thị trường in bao bì không chỉ thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp in Việt Nam mà là sự quan tâm đầu tư trực tiếp hoặc mua công ty của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Hiệp hội bao bì, sản lượng bao bì sẽ tăng bình quân 20%/năm (ước tính tăng trưởng thời kỳ 2015-2020: thực phẩm đóng gói tăng 38%, trong đó cá biệt thịt đã chế biến và hải sản tăng 58%, thức ăn trẻ em tăng 76%). Tình hình này đồng thời đặt ra nhiều yêu cầu, chẳng những mẫu mã đẹp, bảo quản tốt, mà còn chứa đựng thông tin hướng dẫn, quảng bá thương hiệu.

Sản phẩm bao bì phong phú về chủng loại, mẫu mã, vì vậy, nguyên vật liệu bao bì cũng phong phú đa dạng. Ngoài giấy, nhựa là chủ yếu, nhiều nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường và an toàn cho người sử dụng được nghiên cứu, thay thế trong ngành bao bì.

Công nghiệp sản xuất máy in, vật liệu in và nguyên liệu đã tiếp thu thành tựu khoa học kịp thời. Những máy in thế hệ mới đơn giản về thao tác, sản phẩm tự động hoá cao, kể cả khâu kiểm soát chất lượng. Cùng các thiết bị kiểm soát phù trợ, dây chuyền in dần khép kín và thực sự ổn định chất lượng, tỷ lệ bù hao rất thấp. Ngoài các  dây chuyền in offset, in Plexo, in ống đồng hiện đại, tốc độ nhanh, khổ lớn, in tích hợp, đồng bộ được giới thiệu, chúng ta chứng kiến sự bùng nổ về in trực tiếp, in kỹ thuật số.

Đáng chú ý, xã hội hoá ngành in giúp thu hút được nguồn lực và có đủ điều kiện đầu tư tập trung, dài hạn. Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn, thu hút đầu tư nước ngoài và có mức tăng trưởng cao. Đảm bảo sản phẩm,dịch vụ trong nước và xuất khẩu, bao gồm thị trường tiêu dùng trong nước với gần 100 triệu dân là biểu hiện rõ nét nhất cho sự hấp dẫn nhà đầu tư sản xuất. Hơn nữa, gia công xuất khẩu là cơ hội không chỉ cho các doanh nghiệp in Việt Nam mà còn hấp dẫn nhà đầu tư trong lĩnh vực in bao bì và sản phẩm phù trợ.

Giải pháp phát triển ngành công nghiệp in Việt Nam

Theo TS Nề, để ngành công nghiệp in phát triển, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung: các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, có phương án đầu tư hiệu quả; Chuyên môn hoá và có giải pháp quản trị đồng bộ vì chất lượng, tính ổn  định và đảm bảo thời gian giao hàng; Đầu tư dài hạn, gắn kết khách hàng truyền thống, mở rộng khách hàng tiềm năng, khách hàng triển vọng. Đối với doanh nghiệp nhỏ nên tìm thị trường ngách, chuyên môn hoá cao và mở rộng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp in khác trong dây chuyền in.

Quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu công nghệ mới đáp ứng yêu cầu khai thác và chuẩn hoá công việc. Đào tạo, tuyển dụng và có chính sách tốt sử dụng người lao động, tạo nguồn lao động ổn định là lợi thế của doanh nghiệp.

Cùng với đầu tư chiều sâu, xây dựng và hoàn thiện các hệ thống chất lượng quốc tế như ISO 9000, ISO 14000, SA 8000... nhằm cam kết về chất lượng và có đủ điều kiện in gia công xuất khẩu. Những chứng chỉ chất lượng được thừa nhận, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và mở rộng in gia công, xuất khẩu. Rào cản kỹ thuật nhiều cũng là thách thức để doanh nghiệp in hoàn thiện hệ thống quản lý, đầu tư công nghệ và khẳng định vị thế cạnh tranh .

Đáp ứng thị trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định. Đáp ứng xu thế đòi hỏi về mẫu mã, bao bì theo hướng "thông minh", an toàn, bảo mật và kịp thời. Ngành in luôn gắn kết chặt chẽ với thị trường, là ngành phụ trợ được các doanh nghiệp sản xuất lựa chọn và mong muốn hợp tác lâu dài. Nếu được đồng hành từ ban đầu, doanh nghiệp in có điều kiện phát triển chung cùng các doanh nghiệp có công nghệ cao, có thương hiệu toàn cầu như Canon, Samsung, Apple....

Ngành công nghiệp in là một trong số các ngành sản xuất đi đầu trong việc ứng dụng sự thay đổi trong công nghệ. Việc áp dụng công nghệ đang nhanh chóng chuyển từ công nghệ truyền thống sang in kỹ thuật số và với sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (4.0), dẫn tới sự chuyển đổi mạnh sang kỹ thuật số đang được tiến hành trong ngành công nghiệp in. Các công ty in cần tăng cường khả năng của họ với các công nghệ mới, đầu tư dây chuyền đồng bộ, thúc đẩy sự đổi mới, cải thiện dịch vụ khách hàng, mở rộng thị trường, kiểm soát rộng và vận hành quy trình in phù hợp, hiệu quả.

Khảo sát, tham quan, học hỏi là nhu cầu thường xuyên của các doanh nghiệp. Những hỗ trợ của các nhà sản xuất thông qua hội chợ, triển lãm là dịp các doanh nghiệp tìm hiểu để lựa chọn công nghệ, thiết bị và có chiến lược đầu tư, kinh doanh hiệu quả. “Bản thân Hội in Hà Nội chúng tôi cũng luôn có trách nhiệm hợp tác cùng các hội nghề nghiệp, các nhà sản xuất nhằm cung cấp thông tin và tổ chức cho các doanh nghiệp in trong Hội được tham quan, khảo sát trong nước và quốc tế” – TS Bùi Doãn Nề nói./.

Hà Anh (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực